Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines -Mã:
HVN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 để lấy ý kiến về phương án kinh doanh, chi trả cổ tức, đầu tư tàu bay mới, thanh lý tàu bay cũ…
Chi cổ tức 2018 hơn 1.400 tỷ đồng, kế hoạch lãi 2019 tăng 6%
Trong năm 2018, Vietnam Airlines đã thực hiện 141.300 chuyến bay, vận chuyển 21,9 triệu lượt khách. Từ đó, doanh thu hợp nhất mang về 98.950 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 2.600 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch năm.
Với kết quả đó, công ty đề xuất phương án trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% vốn điều lệ, ước tính
HVN sẽ chi ra khoảng 1.418 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước sở hữu 86% vốn sẽ nhận về 1.222 tỷ đồng và cổ đông lớn ANA Holdings Inc. sở hữu 8,8% vốn được nhận 124 tỷ đồng.
Về kế hoạch cho năm 2019, Vietnam Airlines đặt kế hoạch cho doanh thu hợp nhất gần 111.729 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.680 tỷ đồng, tăng 6% và tổng kinh phí đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh trong quý I, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 25.536 tỷ đồng, cao hơn 5% so với cùng kỳ 2018; trong đó doanh thu vận tải hàng không chiếm 81%. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.212 tỷ đồng, tăng 7% và thực hiện được 45% kế hoạch năm.
Lượng khách vận chuyển năm 2019 dự kiến đạt 24,9 triệu khách, tăng 14% so với kết quả năm ngoái. Lượng hàng hóa vận chuyển tăng 9% lên 373.500 tấn.
Mục tiêu thị phần của cả nhóm Vietnam Airlines năm nay là chiếm tối thiểu 55% ở thị trường nội địa, thị phần hợp lý ở thị trường quốc tế; đảm bảo cân đối giữa tăng trưởng – thị phần- hiệu quả.
Hãng hàng không quốc gia dự tính mở mới và điều chỉnh tần suất khai thác trên một số đường bay khu vực thị trường quốc tế như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Đông Dương. Còn ở thị trường nội địa, mở mới và điều chỉnh tần suất khai thác trên một số đường bay đặc biệt là các sân bay mới (Hải Phòng/Cần Thơ) nhằm giải quyết bài toán tối ưu hóa đội bay và tránh tình trạng quá tải ở các sân bay lớn.
Chi 3,8 tỷ USD đầu tư đội tàu bay
Tại Đại hội, Vietnam Airlines sẽ trình chủ trương đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3,76 tỷ USD. Nguồn vốn được lấy từ vốn chủ sở hữu gần 500 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm hơn 1,93 tỷ USD và vốn huy động hơn 1.35 tỷ USD.
Theo tài liệu, lợi nhuận trước thuế hàng năm của cả mạng bay trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2.219 đến 3.580 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận vận tải hàng không của đội tàu bay thân hẹp đạt khoảng từ 359 đến 1.413 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đầu tư mới, công ty còn chủ trương bán 5 tàu bay A321 CEO sản xuất năm 2004-2005 để đẩy mạnh việc đổi mới đội tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và cũng nâng cao năng lực cạnh tranh. Song song đó, tổng công ty sẽ tiếp nhận và đưa vào khai thác 20 tàu bay A321 NEO.
Theo kế hoạch phát triển đội tàu bay giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ sở hữu đội tàu dự kiến 135-177 chiếc đến 2025; trong đó đội tàu bay thân hẹp đạt khoảng 95-120 chiếc. Hiện
HVN có 63 chiếc tàu bay thân hẹp.
Kế hoạch phát triển tàu bay thân hẹp.
Vào ngày mai 7/5, Vietnam Airlines sẽ chính thức đưa 1,4 tỷ cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán
HVN. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cp, biên độ dao động ngày đầu tiên là ±20%.
Lan Điền
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.