MSCI châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản tăng 0,8% trong cả phiên 11/6.
Trung Quốc – Hong Kong vẫn là thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất khu vực. Trong đó, Hang Seng tiếp tục tăng thêm 210 điểm sau phiên 10/6 tăng vọt hơn 550 điểm. Trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tăng 1,4%.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 2,6% và 3,7%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh sau khi Tân Hoa Xã đưa tin chính phủ sẽ cho phép chính quyền địa phương sử dụng trái phiếu đặc biệt để huy động vốn cho các dự án lớn. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc.
Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,3% và 0,6%. Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ lực đẩy từ cổ phiếu công nghệ, trong đó LG Electronics tăng hơn 6%.
Ngoài ra, ASX 200 của Australia cũng tăng 1,6%, NZX 50 của New Zealand tăng 1,1%.
Giới đầu tư tại châu Á bắt đầu rót vốn trở lại vào chứng khoán sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định không áp thuế với hàng hóa Mexico.
Tuy nhiên, tâm lý lo ngại vẫn tồn tại vì tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vẫn bế tắc. Ông Trump ngày 10/6 xác nhận thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ lập tức có hiệu lực nếu Chủ tịch Tập Cận Bình không dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6.
“Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận thương mại có thể chỉ là động lực tạm thời cho thị trường chứng khoán đi lên. Vấn đề lớn hơn là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết. Tâm lý lo lắng vẫn sẽ phủ khắp các thị trường cho tới khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra. Và không có gì đảm bảo rằng tình hình sẽ cải thiện nếu hai lãnh đạo gặp nhau tại sự kiện này”, ông Masashiro Ichikawa, chiến lược gia cấp cao tại quỹ quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS, nói.
Theo ông Ray Attrill, trưởng phòn chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Australia, thị trường chứng khoán vẫn sẽ biến động nhẹ từ nay tới Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Tình hình cũng phức tạp khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ họp trong tuần tới để đánh giá xem những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay có đủ để cơ quan này chuyển sang cơ chế nới lỏng tiền tệ. Tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ theo dõi sát sao tác động của các vòng đàm phán thương mại và một số vấn đề khác, từ đó sẽ có hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Minh Lan/Theo CNBC, Reuters
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.