Xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2019 liên tục ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhưng tháng 5 bất ngờ sụt giảm.
BizLIVE có cuộc trao đổi với ông Dương Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thị trường, Kinh doanh Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về nguyên nhân diễn biến trên và triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam
Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam luôn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bước sang tháng 5, xuất khẩu cao su giảm khá mạnh. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả nói trên?
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn, 4 tháng đầu năm 2019 sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 415.044 tấn, kim ngạch xuất khẩu là 556,9 triệu USD.
Tính đến 31/5/2019, xuất khẩu cao su tự nhiên ước đạt 488 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu 662 triệu USD, tăng 10,3% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá bán bình quân chủng loại SVR 3L đạt 1.529 USD/tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù giá bán bình quân trong tháng 5 đã tăng, tuy nhiên, lượng cao su xuất khẩu chỉ đạt 73.000 tấn đã dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của tháng giảm so với các tháng đầu năm, xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, diễn biến thời tiết vào các tháng đầu năm 2019 khá phức tạp. Các đợt nắng nóng kéo dài tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc đã làm sản lượng khai thác bị sụt giảm liên tục. Bước vào đầu mùa vụ mới của năm 2019, tình trạng nắng nóng kéo dài vẫn tiếp tục, đặc biệt rơi vào tháng 5, cũng là tháng bắt đầu cho mùa vụ mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch khai thác của chúng tôi. Tuy nhiên, đây là một nguyên nhân dẫn đến giá mủ nguyên liệu tại các khu vực trong nước giữ ở mức 290-300 đồng/độ TSC mặc dù giá các sàn giao dịch giảm.
Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2019 giảm là do Trung Quốc đã thay đổi chính sách về hải quan đối với cao su tổng hợp (mixture) nhập khẩu. Như chúng ta đã biết, sản lượng cao su mixture xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019 chiếm hơn 50% lượng hàng cao su xuất khẩu của Việt Nam Trước đây, cao su tổng hợp của Việt Nam chịu mức thuế nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc là dưới 10%. Tuy nhiên, đến 01/5/2019, Hải quan Trung Quốc đã thay đổi chính sách và tăng cường giám sát chặt chẽ vào cao su tổng hợp nhập khẩu vào Trung Quốc đã ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu của cao su Việt Nam vào thị trường này.
Thứ ba, lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc các nhà sản xuất và thương mại tiếp tục chờ đợi các diễn biến tiếp theo của thị trường. Vào ngày 10/5/2019, Mỹ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị 200 tỷ USD. Trung Quốc cũng thông báo sẽ có các động thái trả đũa đối với hàng nhậu khẩu từ Mỹ. Thị trường giá cao su chờ đợi kết quả sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào sau hội nghị G20 diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019.
Cuối cùng, lượng tồn kho của Việt Nam cũng giảm mạnh do lượng tiêu thụ đột biến trong 4 tháng đầu năm 2019. Hiện tồn kho đến cuối tháng 5/2019 của các Công ty thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam không cao, chủ yếu chỉ để phục vụ cho các Hợp đồng dài hạn và các Hợp đồng đã ký chờ giao.
Theo ông, nếu căng thẳng thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và ngành cao su nói riêng?
Căng thẳng về chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài và leo thang giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến cho xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu cao su nói riêng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vì, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 60% tổng lượng cao su xuất khẩu.
Với việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với một số sản phẩm cao su nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm mủ cao su, băng tải, lốp xe khí nén, găng tay, gioăng… từ ngày 10/5/2019. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cho biết chính sách thuế của Mỹ có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu linh kiện ôtô của nước này.
Nguồn: Báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Tuy nhiên, Việt Nam lại ghi nhận xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng trong cùng kỳ. Việt Nam là một trong 3 nguồn cung cao su lớn nhất của Trung Quốc, sau Thái Lan và Malaysia. Trong khi tăng nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia, lần lượt giảm 7,3% và 14,6%.
Có thể nói, Việt Nam là nước được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này thể hiện rõ việc các Công ty Trung Quốc đã và đang dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc để né các đòn trừng phát của Mỹ. Việt Nam được xem là nơi thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Trung Quốc nhắm đến do có lực lượng lao động trẻ, có trình độ, cơ sở hạ tầng tốt và có vị trí địa lý thuận lợi.
Đối với ngành cao su Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Việc các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đã thu hút một lượng không nhỏ cac công nhân cao su vào làm việc tại cac khu công nghiệp, các công ty liên doanh dẫn đến việc các công ty khai thác mủ phải điều chỉnh quy trình khai thác mủ cao su trong thời gian qua.
Ông dự báo tình hình xuất khẩu cao su những tháng cuối năm có cải thiện hơn không?.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), năm 2019 lượng cung cao su sẽ vẫn tiếp tục vượt cầu. Dự kiến lượng cung/cầu năm 2019 là 14,5 triệu tấn/14,4 triệu tấn (dư 100.000 tấn). Lượng tồn kho năm 2018 chuyển sang là 2,9 triệu tấn.
Tuy nhiên, do thời tiết các tháng đầu năm 2019 hạn hán kéo dài, cùng với kế hoạch cắt giảm sản lượng xuất khẩu 350.000 tấn từ 03 nước là Thái Lan, Indonesia và Malaysia và cam kết không mở rộng diện tích trồng mới cao su của chính phủ Việt Nam phần nào sẽ giúp ổn định lượng cung/cầu.
Về phía Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, chúng tôi hiện đang quản lý gần 420.000 hecta cao su tại 03 nước là Việt Nam, Lào và Campuchia, tổng lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 400.000 tấn. Chúng tôi hiện đang đẩy mạnh tái canh, thay đổi các giống mới có chất lượng tốt hơn và cho năng suất cao hơn. Đối với các diện tích tái canh, chúng tôi cũng xem xét để chuyển đổi hình thức sử dụng như đưa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào các diện tích đất chưa phù hợp hoặc đầu tư khu công nghiệp trên đất cao su. Điều này không những giúp ổn định lượng cung – cầu mà còn tạo ra thêm nhiều giá trị thặng dự cho Tập đoàn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn quan tâm đến chính sách phát triển bền vững và xem đây như yếu tố sống còn của Tập đoàn trong thời gian tới. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xác định phát triển bền vững là một trong những chủ trương quan trọng trong hoạt động của Tập đoàn nhằm đảm bảo thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Chúng tôi hiện đang làm việc với các sàn giao dịch cao su có uy tín trên thế giới để từng bước đưa sản phẩm tham gia giao dịch có kỳ hạn, đảm bảo ổn định được đầu ra của sản phẩm cũng như nâng cao giá trị thương hiệu VRG trên trường quốc tế.
Tất cả công việc này đều được triển khai trong năm 2019 này. Làm được điều đó, chúng tôi tin chắc giá cao su của VRG nói riêng và của Việt Nam nói chung sẽ từng bước tiếp cận và cân bằng với giá cao su thế giới. Năm 2019 này có thể nói là năm tiếp tục khó khăn của ngành cao su, tuy nhiên, theo tôi là giá bán bình quân cao su 2019 sẽ được cải thiện.
Xin cảm ơn ông.
HỒNG QUÂN
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.