Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung về: Các điều khoản ban đầu và các định nghĩa chung; thương mại dịch vụ xuyên biên giới; chính sách cạnh tranh; hợp tác và nâng cao năng lực; nâng cao sức cạnh tranh và thuận lợi hóa hoạt động kinh doanh; quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ; phòng vệ thương mại; nhập cảnh tạm thời cho khách kinh doanh...
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về nội dung các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Nội dung quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại do Bộ Tài chính chủ trì. Bên cạnh đó, Bộ này cũng chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan tới thuế, bảo hiểm và chứng khoán...
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan đầu mối cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế tổ chức hoạt động của các cơ quan đầu mối được chỉ định; kịp thời báo cáo những thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tính liên tục của Hiệp định.
CPTPP được ký kết ngày 8 tháng 3 năm 2018 tại thành phố Santiago, Chile. Hiệp định này chính thức có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
CPTPP có 11 thành viên, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Lâm Tùng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.