Cách đây 2 tuần, rất ít người đầu tư vào dầu có thể tưởng tượng họ sẽ khốn đốn vì một công ty điện thoại. Tuần trước, họ tiếp tục chật vật vì người nhập cư trái phép vào Mỹ.
Sau loạt công kích nhằm vào Huawei, gã khổng lồ điện thoại di động của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump ngày 30/5 thông báo áp thuế 5% với toàn bộ hàng hóa Mexico nhập khẩu từ ngày 10/6, tăng đến 25% nếu dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ không chấm dứt.
Ông Trump nhấn mạnh Mỹ hưởng lợi từ việc cứng rắn với Mexico và Trung Quốc nhưng giới phân tích lại cho rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ là bên chịu thiệt, bởi các nhà nhập khẩu chuyển thuế cho người mua. Lo ngại kinh tế suy thoái đang gây áp lực lên thị trường dầu.
Giá dầu WTI đã mất mốc 55 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 2, lập đáy 54,73 USD/thùng hôm 31/5. Giá dầu Brent xuống dưới 65 USD/thùng, lập đáy 16 tuần 63,05 USD/thùng.
Một diễn biến quan trọng nữa là giá dầu WTI và Brent đều đã xuống dưới đường trung bình động 200 ngày lẫn 5 ngày.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ chỉ giảm 280.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 24/5, thấp hơn dự báo giảm 860.000 thùng. Cộng với tuần trước đó, tồn kho lại tăng khoảng 5 triệu thùng.
Giá dầu thường tăng nhờ hoạt động lọc dầu mạnh và tiêu thụ xăng tăng trong mùa hè. Tuy nhiên, các cơ sở lọc dầu lại đang giảm công suất do biên lợi nhuận giảm.
Một số cho rằng lý do là ông Trump tăng cường các cuộc chiến thương mại trên thế giới nhằm “kiểm soát giá dầu sau khi OPEC từ chối tăng sản lượng trở lại”.
“Thú vị nhất là ông ấy không hề nhắc đến dầu suốt nhiều tuần qua trên Twitter nên không thể cáo buộc ông ấy dồn ép thị trường”, theo John Kilduff, Again Capital. “Thị trường dầu không còn lựa chọn nào ngoài cắn răng chịu đựng và xem ông ấy định tiến xa tới đâu”.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 4/6
Viện dầu mỏ Mỹ (API) ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 5/6
EIA cập nhật về tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 6/6
EIA ra báo cáo hàng tuần về khí tự nhiên.
Ngày 7/6
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ đang hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng đã quay trở lại mốc 1.300 USD/ounce trong ngày 31/5 do thị trường chứng khoán lao dốc, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm vì ông Trump dọa áp thuế lên hàng hóa Mexico nhập khẩu. Giá vàng có lúc chạm đỉnh 7 tuần 1.307,2 USD/ounce.
Chốt tháng 5, giá vàng giao ngay tăng 1,7%.
Nhà đầu tư trong tuần sẽ chờ xem vàng có vượt mốc 1.320 USD/ounce và hơn thế nữa hay không.
Vàng thường được chọn làm tài sản đảm bảo trong thời gian bất ổn kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, kim loại quý này lại chịu sức ép từ USD. Đồng bạc xanh từng khiến vàng không thể tăng sau khi vượt 1.300 USD/ounce.
Lạm phát dưới mục tiêu cũng có thể khiến Fed hạ lãi suất, có lợi cho vàng.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá vàng trong tuần.
Ngày 3/6
Trung Quốc công bố PMI Caixin sản xuất tháng 5.
Mỹ công bố PMI sản xuất tháng 5, do viện quản lý nguồn cung (ISM) thống kê.
Ngày 4/6
Eurozone ra số liệu CPI tháng 5.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu.
Mỹ công bố số lượng đơn đặt hàng nhà máy tháng 4.
Ngày 5/6
Trung Quốc công bố PMI Caixin dịch vụ tháng 5.
Mỹ ra bảng lương phi nông nghiệp ADP tháng 5, PMI phi sản xuất tháng 5 từ ISM.
Ngày 6/6
Ngân hàng Trung ương châu Âu họp.
Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
Ngày 7/6
Thị trường Trung Quốc nghỉ lễ.
Mỹ ra bảng lương phi nông nghiệp tháng 5.
Như Tâm/ Theo Investing
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.