Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa thông báo 69 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG sẽ giao dịch chính thức trên hệ thống UPCoM từ ngày thứ Năm, 6/6 với mã chứng khoán
SIP.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17.200 đồng/cp, biên độ dao động ngày chào sàn là ±40% (10.320-24.080 đồng/cp).
Sài Gòn VRG hiện là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VnRubber -Mã: GVR). Công ty được thành lập năm 2007 với 4 cổ đông sáng lập là VnRubber, Cao su Phước Hòa, Đầu tư xây dựng Cao su và ông Trần Công Kha.
Hoạt động chính của công ty là đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư, cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan.
Đến 3/1/2019, Sài Gòn VRG được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thành công ty đại chúng và cổ phiếu
SIP bắt đầu được lưu ký từ ngày 20/2. Cơ cấu cổ đông của
SIP khá đa dạng khi có đến 7 cổ đông lớn, chiếm khoảng 81,3% vốn công ty. Trong đó, đáng chú ý có VnRubber sở hữu 13,5%, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) chiếm 9%, Thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Tùng có 22,3% vốn…
Cơ cấu cổ đông SIP. Nguồn: Sài Gòn VRG
Sở hữu 2 KCN ở TP HCM
Về hoạt động kinh doanh, công ty bắt đầu có doanh thu từ đầu năm 2010 khi dự án đầu tiên Khu công nghiệp Đông Nam đi vào hoạt động và sau đó đến 6/2010 là dự án Khu công nghiệp Phước Đông.
Trong vài năm qua, kết quả của Sài Gòn VRG liên tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 tăng 26% lên mức 3.239 tỷ đồng nhờ tập trung cho thuê đất, bán điện, nước. Lợi nhuận sau thuế thu về 249 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước, EPS tương ứng 3.600 đồng. Giá trị sổ sách là 16.706 đồng/cp.
Dù vậy, Sài Gòn VRG lại đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 khá thận trọng với doanh thu dự kiến giảm 7% xuống 3.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế còn 200 tỷ đồng, giảm 19,5% so với năm 2018. Cổ tức dự kiến 15%, thấp hơn mức 17-18% các năm trước đó.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, Sài Gòn VRG còn có điểm nhấn đầu tư ở khía cạnh quỹ đất rất lớn tại nhiều vị trí đắc địa.
Một số dự án lớn của Sài Gòn VRG.
Như KCN Đông Nam có tổng diện tích 342ha; trong đó phần dành cho KCN là 286,76ha và phần dành cho khu dân cư là 55,77ha. Hiện tỷ lệ lấp đầy là 72% phần diện tích thương mại (khoảng 144ha). Dự án có vị trí chiến lược giữa 2 khu vực TP HCM và Bình Dương.
Với KCN Lê Minh Xuân 3, dự án có diện tích thương mại là 220ha nằm ở vị trí đắc địa tại huyện Bình Chánh, là cầu nối giữa TP HCM và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với vị thế đó, đây là KCN có mức giá thuê rất cao lên đến 130/USD/m2/thời hạn thuê. Dự án bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ cuối 2014 và dự kiến hoàn tất vào tháng 12/2019.
Dự án KCN Phước Đông có tổng quy mô 2.838ha. Trong đó phần dành cho KCN là 2.190ha (giai đoạn 1 là 1.096ha và giai đoạn 2 là 1.094ha). Phần diện tích thương mại chỉ là 1.523ha và hiện lấp đầy 92% với giai đoạn 1, giai đoạn 2 đang bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án có vị trí chiến lược tại trung tâm tỉnh Tây Ninh, điểm nối giữa TP HCM và Phnom Pênh.
Một điểm nhấn đầu tư khác của Sài Gòn VRG còn đến từ hệ thống 7 công ty con. Hiện
SIP sở hữu 99,9% vốn Incontec - đang nắm giữ gần 25 triệu cổ phiếu GVR với giá thị trường gần 290 tỷ đồng.
SIP cũng sở hữu 93,6% vốn Bao bì Sài Gòn (Mã: SPA) với giá thị trường 95 tỷ đồng. Ngoài ra,
SIP còn nắm giữ 69% vốn VRG Long Thành, đơn vị phát triển dự án KCN Lộc An Bình Sơn, nắm 82% vốn công ty Phú An Thành, đơn vị phát triển cơ sở hạ tầng KCN và khu dân cưa, gần 97% vốn công ty Dịch vụ Sài Gòn,…
Người mua trả tiền trước hơn 4.700 tỷ đồng
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra làn sóng dịch chuyển sản xuất trên thế giới và Việt Nam được kỳ vọng là một trong những điểm đến phù hợp. Là doanh nghiệp kinh doanh chính trong lĩnh vực KCN, do vậy Sài Gòn VRG được kỳ vọng diễn biến cùng chiều với triển vọng tích cực của toàn ngành.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, Trung Quốc vẫn dẫn đầu với vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Riêng quý I/2019, doanh thu của công ty tăng 18% lên 855 tỷ và lãi ròng đạt 60 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Tính đến 31/3, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn lên đến 2.672 tỷ đồng, tại các dự án lớn như Phước Đông, Đông Nam, Lê Minh Xuân, Lộc An Bình Sơn…. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có doanh thu dài hạn chưa thực hiện lên đến 4.742 tỷ đồng - là số tiền khách hàng thuê đất đã trả trước và sẽ được kết chuyển vào doanh thu phù hợp với từng kỳ kế toán.
Riêng tại TP HCM, Sài Gòn VRG có lợi thế rất lớn với 2 KCN Lê Minh Xuân 3 và Đông Nam. Hiện khu vực này có 17 khu công nghiệp và khu chế xuất với tổng diện tích gần 3.500ha, tỷ lệ lấp đầy hầu hết từ 60-100% và phần lớn đầu tư trên 10 năm. Trong khi đó, các dự án của
SIP có nhiều lợi thế do mới thực hiện đầu tư và có quy mô lớn so với các KCN có vị trí tương đương.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.