Tại buổi công bố báo cáo thường niên "Điểm lại" ngày 1/7, ông Sebastian Eckardt, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nhận hiệp định thương mại tư do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp xuất khẩu tăng lên, một số ngành được hưởng lợi.
"Nhưng lợi ích chính là về đầu tư", ông Sebastian Eckardt nhận định. Hiện nay, liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư lớn thứ 10 tại Việt Nam nhưng quy mô thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất nhập khẩu.
Theo vị chuyên gia Hiệp định đối tác đầu tư (IPA) rất quan trọng, sẽ thúc đẩy vốn đầu tư trong các ngành sản xuất. Nhà đầu tư châu Âu có thể chọn Việt Nam như một cứ điểm sản xuất để xuất khẩu sang thị trường châu Á và sản xuất cho chính sân nhà.
Để nắm bắt được các cơ hội thu hút đầu tư, tăng xuất khẩu, chuyên gia WB cho rằng cần cam kết triển khai và triển khai tốt các hiệp định. "Lợi ích đầy đủ không đến ngay được, cần thông qua niềm tin, kỳ vọng của nhà đầu tư", ông Sebastian nói.
Thực tế, theo vị này một số cam kết của hiệp định EVFTA không dễ triển khai. Việc nâng cao chất lượng triển khai cũng là một thách thức đối với Việt Nam. Trong đó, cần ra soát các hàng rào phi thuế quan ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Việt Nam - EU vừa ký 2 hiệp định về thương mại và đầu tư vào chiều 30/6. Sau ký kết, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn. Về phía EU, hiệp định này sẽ trình Nghị viện châu Âu thông qua. Sau đó, Hội đồng châu Âu xem xét lần cuối trước khi chính thức có hiệu lực.
Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU.
EU nhận định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.
Ngay khi có hiệu lực, 71% các dòng thuế đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và phần còn lại được gỡ bỏ trong tối đa 7 năm. Ngược lại, 65% các dòng thuế hàng từ EU sang Việt Nam được xóa bỏ, phần còn lại sẽ được xóa trong 10 năm.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng sẽ tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019-2023.
Ngoài ra, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Nam Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.