Hôm nay (25/6), Hội đồng châu Âu vừa phê chuẩn các hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Cả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nhân Romania Ștefan-Radu Oprea sẽ đại diện phía EU ký thỏa thuận này.
Trước đó, tại hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày 25/6 tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã xác nhận việc ký kết hiệp định tại Hà Nội vào cuối tuần này.
Thủ tướng đánh giá Việt Nam đã tham gia nhiều FTA và nền kinh tế được hưởng lợi nhiều từ những hiệp định này. Với EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường 28 nước thành viên Liên minh châu Âu. "EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi ký kết, thỏa thuận sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu chờ chấp thuận. Khi Nghị viện châu Âu đồng ý, hiệp định thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần cuối trước khi có hiệu lực. Trong khi đó, thỏa thuận bảo vệ đầu tư trước tiên sẽ cần được các quốc gia thành viên EU phê chuẩn.
"Tôi hoan nghênh quyết định của các quốc gia thành viên EU hôm nay. Sau Singapore, Việt Nam sẽ là nước thứ 2 tại Đông Nam Á có thỏa thuận với EU, cho thấy sự hợp tác lớn hơn giữa châu Âu và khu vực này ", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói.
"Các thỏa thuận mang lại lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động châu Âu và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tôn trọng quyền lao động, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris", thông cáo của Hội đồng châu Âu cùng lúc nêu rõ.
Hiệp định EVFTA kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015. Ngày 26/6/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, thỏa thuận được tách làm 2 hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư.
Tháng 8/2018, EU công bố chính thức văn kiện Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (nay có tên là EVIPA).
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN sau Singapore, với trị giá 49,3 tỷ euro hàng hóa và 3 tỷ euro dịch vụ. Nhập khẩu chính của EU từ Việt Nam bao gồm thiết bị viễn thông, giày dép và dệt may, đồ nội thất và nông sản. EU chủ yếu xuất khẩu sang hàng hóa Việt Nam như máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và thực phẩm và đồ uống.
Nam Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.