Nửa đầu năm 2019, VN-Index dừng ở mức 949,94 điểm, tương ứng tăng 6,43% so với cuối năm 2018. Trái ngược với VN-Index, HNX-Index giảm nhẹ 0,69% xuống 104,09 điểm. UPCoM-Index tăng 5,33% lên 55,65 điểm.
Dù thị trường biến động khó lường nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu tăng nhiều lần như VNX của Quảng cáo và Hội chợ Thương mại - Vinexad (UPCoM) tăng 6.460%, VCR của Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex - Vinaconex - ITC (HNX) tăng 605% hay CCL của Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long với 109%.
Đối với top 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, 20 cổ phiếu ghi nhận tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm.
Hai cổ phiếu trên sàn UPCoM là VGI của Viettel Global và VEA của VEAM đứng đầu danh sách tăng giá với mức tăng lần lượt là 99,5% và 50%.
Viettel Global, đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư viễn thông quốc tế của Tập đoàn Viettel, đầu tư hạ tầng viễn thông vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á, Mỹ Latin và châu Phi. Do đang trong quá trình mở rộng thị trường nên những năm qua Viettel Global lỗ. Tính tới hết năm 2018, lỗ lũy kế Viettel Global hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý IV/2018 và quý I/2019, KQKD của đơn vị này đã khởi sắc hơn rất nhiều với việc báo lãi lần lượt 14,9 tỷ đồng và 64,6 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu VGI nửa đầu năm. Nguồn: VNDS
Đối với VEAM, động lực tăng của cổ phiếu này được cho là đến từ kết quả kinh doanh năm 2018, quý I/2019 và kế hoạch cho cả năm 2019 đưa ra là tích cực. Trong đó, năm 2018, công ty báo lãi 7.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40% so với năm trước. Sang quý I/2019, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 22%.
Diễn biến giá cổ phiếu VEA nửa đầu năm. Nguồn: VNDS
Cổ phiếu VCB của Vietcombank đứng đầu mức tăng giá nhóm ngân hàng với mức tăng 32%. Sau 6 tháng đầu năm, giá cổ phiếu VCB đạt mức 70.500 đồng/cp, thuộc số ít những cổ phiếu vốn hóa lớn ở sàn HoSE về mức đỉnh lịch sử năm 2018 (73.750 đồng/cp). Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2019 dự báo tăng khoảng 41% so với cùng kỳ và đạt khoảng 11.300 tỷ đồng. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần được dự báo cao hơn từ việc ngân hàng chuyển sang cho vay bán lẻ và tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm ở mức khá 9,7%. Thu nhập từ phí tốt, đặc biệt là từ bancassurance và hoàn nhập dự phòng trong khi trích lập dự phòng được quản lý tốt.
Diễn biến giá cổ phiếu VCB nửa đầu năm. Nguồn: VNDS
Ba cổ phiếu họ 'Vin' là VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp VN-Index có được đà tăng trong 6 tháng đầu năm. Trong khoảng thời gian này, VIC tăng 21,4%, VHM tăng 8% và VRE tăng 24,7%.
TCB giảm giá nhiều nhất
Ở chiều ngược lại, trong số 10 cổ phiếu ở top 30 vốn hóa thị trường có mức tăng trưởng âm sau 6 tháng thì có đến 5 cổ phiếu ngân hàng, trong đó TCB của Techcombank giảm 21,3%. Trong quý I/2019, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và đạt 2.092 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu TCB nửa đầu năm. Nguồn: VNDS
4 cổ phiếu ngân hàng khác cũng khi nhận thị giá giảm sau 6 tháng đầu năm đó là HDB của HDBank, BID của BIDV, VPB của VPBank và ACB của Ngân hàng Á Châu.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.