• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.259,63 +17,10/+1,38%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.259,63   +17,10/+1,38%  |   HNX-INDEX   222,67   +2,00/+0,90%  |   UPCOM-INDEX   93,88   +0,80/+0,86%  |   VN30   1.332,54   +22,82/+1,74%  |   HNX30   464,29   +5,28/+1,15%
24 Tháng Giêng 2025 12:35:52 SA - Mở cửa
Giải quyết được các vấn đề sau, thuỷ sản Việt Nam có thể thâm nhập mọi thị trường
Nguồn tin: Người đồng hành | 17/07/2019 6:33:53 CH
Cơ hội thực sự từ CPTPP, EVFTA
 
Là hiệp định có quy mô lớn hơn so với các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ cũ nhưng CPTPP thực sự chỉ mang lại cho Việt Nam 3 thị trường mới là Canada, Chile và Mexico. Trong đó, Canada và Chile giảm thuế về 0% đối với tất cả sản phẩm thủy sản ngay khi hiệp định có hiệu lực. Mexico sẽ xóa bỏ thuế với một số sản phẩm ngay lập tức từ mức 10 - 20%, riêng thuế với cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 20% về 0% sau 3 năm.
 
Việt Nam đều đã ký FTA với 8 quốc gia còn lại. Tuy nhiên, Nhật Bản cam kết mở cửa rộng hơn với Việt Nam trong CPTPP so với 2 FTA trước là Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản. Với CPTPP, nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế trong 2 FTA này cũng sẽ được hưởng thuế 0%.
 
Theo đánh giá của bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), lợi thế về xuất khẩu thủy sản mà CPTPP mang lại không thay đổi nhiều do thuế hầu hết sản phẩm xuất khẩu sang 8 quốc gia trên đều đã về 0% trước khi CPTPP có hiệu lực. Các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng 25% trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, theo số liệu của VASEP.
 
“Thuận lợi rõ nét nằm ở thuế nhập khẩu hàng hóa từ nước đối tác CPTPP về Việt Nam”, bà Hằng nói tại hội thảo “Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản tại các Hiệp định CPTPP & EVFTA” diễn ra hôm nay (17/7) ở TP HCM.
 
Hiện tại, Việt Nam trung bình chi khoảng 1 - 1,5 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản mỗi năm, với mức thuế nhập khẩu trung bình là 9 - 17%. Vì vậy, tham gia CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí trong nhập khẩu.
 
Trong khi đó, EVFTA mở ra 28 thị trường (tính cả Anh) cho hàng hóa Việt Nam và đều là những quốc gia mà chúng ta chưa có FTA. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - nhận định trước mắt, EVFTA không mang lại lợi thế về thuế quan cho thuỷ sản Việt Nam.
 
Bà Trang cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi những năm đầu tiên khi tham gia EVFTA. Bởi khi EVFTA có hiệu lực, thuế ưu đãi phổ cập (GSP) sẽ bị loại bỏ. Lộ trình giảm thuế của thủy sản nói riêng và hàng hóa nói chung khi đó sẽ dựa trên thuế theo quy tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) của WTO.
 
Trong khi đó, thuế MFN hiện cao hơn nhiều thuế GSP. Ví dụ, thuế MFN với một số tôm nhập khẩu vào EU hiện là 12 - 20% trong khi thuế GSP chỉ là 4,2 - 7%. Theo lộ trình giảm thuế 5 - 7 năm của EVFTA, thuế suất của những năm đầu tiên có thể cao hơn thuế GSP.
 
Tương tự, cá tra có lộ trình giảm thuế 3 năm trong EVFTA. Hiện tại, thuế MFN với cá tra nhập khẩu vào EU là 8 - 9% trong khi thuế GSP là 4,5 - 5,5%.
 
Theo số liệu của VASEP, EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ, chiếm 17 - 18% trong cơ cấu xuất khẩu của ngành.“Vì vậy, trong những năm đầu của lộ trình, hàng thủy sản của Việt Nam có thể gặp bất lợi vì chịu thuế cao hơn thuế GSP, nhưng về dài hạn thì sẽ hưởng lợi, đặc biệt là khi thuế về 0%”, bà Trang nói.
 
Việt Nam ký kết EVFTA trong khi mức thuế ưu đãi phổ cập mà EU dành cho hàng hoá Việt Nam đã khá thấp, theo bà Trang, do GSP là cam kết mang tính đơn phương, EU có thể rút lại bất cứ lúc nào. Điển hình, ngành da giày Việt Nam đã bị EU rút lại thuế GSP.
 
Phức tạp chuyện xuất xứ
 
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, đánh giá rằng một trong những vấn đề mà ngành thủy sản phải giải quyết được nếu muốn ổn định và bền vững hóa việc phát huy lợi thuế của FTA là đảm bảo xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
 
Chia sẻ bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho rằng thách thức lớn nhất với ngành thủy sản là việc tận dụng và hiện thực hóa các cơ hội.
 
“Lợi thế thuế quan đi kèm với điều kiện về quy tắc xuất xứ. Với nhiều sản phẩm thủy sản, Việt Nam có xu hướng nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài để chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, câu chuyện quy tắc xuất xứ với sản phẩm thủy sản trở nên tương đối phức tạp ở trong cả CPTPP và EVFTA”.
 
Một điểm khác mà doanh nghiệp cần lưu ý là tiêu chuẩn về môi trường, lao động… Bà Trang cho biết các tiêu chuẩn này sẽ dần được nâng lên theo hướng phát triển bền vững. Điều này đồng nghĩa rằng chi phí để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn này cũng sẽ tăng lên.
 
“Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp sẽ tạo ra được thương hiệu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam và có thể thâm nhập bất kỳ thị trường nào khác. Bởi đây đều là thị trường khó tính nhất hiện nay”, đại diện của Trung tâm WTO và Hội nhập chia sẻ.
 
Cũng tại hội thảo, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết cơ hội nhìn thấy là rất rõ nhưng thách thức là Việt Nam có đáp ứng được các cam kết khi hội nhập hay không. "Hay chúng ta chỉ nhìn một màu hồng. Công tác chuẩn bị của cả chuỗi sản xuất, từ người sản xuất, người thu mua, người chế biến, người làm thị trường, nếu không có sự chuẩn bị tốt ngay thì tất cả cơ hội chỉ nằm trên giấy. Khi đó, ngành sản xuất của chúng ta mãi mãi chỉ ở vị thế là người chạy theo", ông nói.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, với CPTPP, hầu hết sản phẩm thủy sản sơ chế gồm cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua… sẽ được xóa bỏ thuế quan sau 2 - 3 năm. Các sản phẩm thủy sản chế biến có lộ trình giảm thuế 5, 10 và 15 năm.
 
Với EVFTA, 50% số dòng thuế với thủy sản cũng sẽ được xóa bỏ sau 3 - 7 năm. Ngoài ra, EU áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan với cá ngừ đóng hộp (11.500 tấn) và cá viên (500 tấn).
 
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.