Thống kê của Người Đồng Hành với 27 ngân hàng cho thấy các nhà băng điều chỉnh lãi suất, cá biệt có chính sách ưu đãi với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn.
Tăng đến 0,5 điểm phần trăm, đua phát hành chứng chỉ tiền gửi
SHB có chương trình ưu đãi với khách hàng mở mới sổ tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng, hưởng lãi suất 8,2%, trong khi mức thường là 7% (giá trị trên 2 tỷ đồng).
Tại VPBank, lãi suất với kỳ hạn 1 tháng nâng 0,4-0,5 điểm phần trăm lên 5,5% (với khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng).
Ở kỳ hạn trung và dài hạn, BIDV nâng lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,9% lên 7%. NamABank nâng lãi suất kỳ hạn 25 tháng - 36 tháng tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm lên mức 7,9%/năm, kỳ hạn 14 tháng - 23 tháng cũng tăng từ 0,2-0,4 điểm phần trăm, lên 7,7-7,8%/năm.
VPBank cũng nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng từ 7,8% lên 8%. Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn này tăng 0,1 điểm phần trăm lên 7,1%.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một số ngân hàng
Xét tổng thể, 8,6%/năm là lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay, thuộc về Ngân hàng Bản Việt, áp dụng với các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 24 - 60 tháng, không yêu cầu sàn giá trị tiền gửi. Bên cạnh đó, ngân hàng có chương trình gửi tiết kiệm online với lãi suất 8,7%/năm cùng kỳ hạn trên. Theo sau là Nam Á Bank công bố lãi suất 8,45%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Ngoài việc giữ lãi suất cao tại các kỳ hạn dài, một số ngân hàng cũng có chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi như SHB có lãi suất 8,6-8,9%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng, hay Sacombank cho kỳ hạn 5 năm +1 ngày lãi suất 8,48-8,88%/năm, LienVietPostBank lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 15-36 tháng…
Với kỳ hạn 1 và 3 tháng, mức lãi suất phổ biến dao động 4,5-5,5%/năm. Gần đây, một số ngân hàng như VIB, Techcombank giảm lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn ngắn 1-6 tháng với mức giảm 0,1 đến 0,4 điểm %. VPBank tăng lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng từ 4,9% lên 5,3%.
Các ngân hàng quốc doanh vẫn đứng cuối trong thang lãi suất. Vietcombank, VietinBank, BIDV công bố mức 0,1%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn, trong khi Agribank ở mức 0,2%.
Cũng có ngân hàng giảm lãi suất tại một vài kỳ hạn. Techcombank hạ lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng 0,2 điểm phần trăm về 6,7%. Kỳ hạn 3 năm cũng giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm, hiện niêm yết ở mức 6,5-6,6%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, khoản tiền trên 3 tỷ được hưởng lãi suất từ 6,7-6,9%/năm. VIB hạ lãi suất cho kỳ hạn 12-13 tháng từ 8,4% về 8,19%.
Những động lực đẩy lãi suất tăng
VPBank và Techcombank là 2 trong nhiều ngân hàng tiết lộ được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019. "Quota" tín dụng của VPBank được nâng từ 12% lên 16% từ tháng 6, một nguồn tin từ ngân hàng thông tin vớiNgười Đồng Hành. Quý I, ngân hàng ghi nhận tín dụng tăng 6,8%, gấp đôi so với mức 3% của cùng kỳ 2018.
Nguồn tin từ Techcombank cũng chia sẻngân hàng này được nới hạn mức tín dụng từ 13% lên 17%. Hết quý I, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng 2,4%, đạt 163.835 tỷ đồng.
Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng (Đvt: %)
Vì thế, việc nâng lãi suất tiết kiệm được cho là động thái hút vốn của các nhà băng khi “room” tín dụng cả năm vẫn còn, trong bối cảnh một số đơn vị được NHNN nới chỉ tiêu thời gian qua.Bên cạnh đó, lãi suất được nâng lên ở kỳ hạn trên 12 tháng có thể là động thái thu hút vốn trung, dài hạn của ngân hàng khi Thông tư 36 quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được áp dụng. Muộn nhất đến năm 2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ phải giảm về 30%. Giai đoạn đầu 1/1/2019- 30/6/2020, tỷ lệ này giữ ở 40%.
Tại một số nhà băng, lãi suất tiết kiệm 12 tháng được cho là "mốc" để xác định lãi suất cho vay. Nâng lãi suất huy động kỳ hạn này cũng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay tại các ngân hàng khó giảm, thậm chí có xu hướng tăng hơn trước.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.