MSCI châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản giảm 0,64% trong phiên sáng 26/7.
Trong đó, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 0,5%.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,08% và 0,1%. Hang Seng mất gần 134 điểm sau thông tin xuất khẩu tháng 6 ghi nhận mức giảm lớn nhất 3 năm rưỡi.
Tại nam Á, ASX 200 và NZX 50 cũng lần lượt giảm 0,2% và 0,7%.
Tại Đông Nam Á, chứng khoán Thái Lan, Indonesia và Malaysia chung xu hướng giảm.
Kết thúc phiên họp chính sách tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định không thay đổi lãi suất hiện tại đối với các hoạt động tái cấp vốn, cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 0%, 0,25% và -0,4%. Chủ tịch Mario Draghi cho biết rủi ro nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái vẫn thấp, nhưng vẫn đánh tín hiệu có thể hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong những tháng tới.
Bình luận của ông Draghi cho thấy quan điểm kiên nhẫn của ECB trong làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ. Một số nhà đầu tư nghi ngờ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể làm tương tự trong phiên họp tuần tới.
Tại Mỹ, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn cho thấy sự phân hóa, dù nhìn chung vẫn theo hướng tích cực. 75% trong số 185 công ty thuộc S&P 500 có lợi nhuận vượt ước tính, theo Refinitiv.
Ông Alec Young, Giám đốc phòng nghiên cứu thị trường toàn cầu tại FTSE Russell, cho biết trong bối cảnh các chỉ số kinh tế toàn cầu vẫn yếu ớt, giới đầu tư không muốn tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán.
Giới đầu tư sẽ chờ báo cáo tăng trưởng kinh tế quý II của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 26/7. Theo dự báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý II, từ mức 3,1% của quý I.
Minh Lan/ Theo CNBC, Reuters
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.