Phân hóa mạnh
(Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)
Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự tâm lý 1000-1005 điểm trong phiên kế tiếp. Các cổ phiếu vốn hóa lớn với sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ cho đà đi lên của thị trường. Trong những phiên tiếp theo, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo rổ chỉ số VN30.
Thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong tuần tới. Các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 sẽ có biến động tương đối khó lường trong tuần tới do chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ. Nhóm ngân hàng và dầu khí có thể sẽ sớm hồi phục tăng điểm trở lại trong một vài phiên kế tiếp với sự dẫn dắt của VCB và GAS. Nhóm chứng khoán cũng đang có tín hiệu hồi phục khi giá đã giảm về các vùng hỗ trợ mạnh.
Nhà đầu tư được khuyến duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng 50% cổ phiếu trong giai đoạn này. Có thể xem xét bán trading giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1000-1005 điểm. Do tính chất phân hóa mạnh của thị trường trong giai đoạn này nên các hoạt động mua mới chỉ nên thực hiện trong các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường, tập trung vào các cổ phiếu cơ bản, vốn hóa lớn…
Rung lắc và giằng co mạnh
(Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội - SHS)
Dòng tiền tiếp tục tập trung ở một số cổ phiếu lớn như VCB (+3,2%), VIC (+1,9%), GAS (+2,8%)... để đẩy chỉ số VN-Index lên gần tiệm cận ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng 1.000 điểm (đỉnh tháng 4/2019). Tuy nhiên với việc thanh khoản trong phiên hôm nay suy giảm, độ rộng thị trường là tiêu cực và nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng nhẹ trên hai sàn thì đà tăng này sẽ là khó bền vững. Những nhịp tăng hiện tại nếu có vẫn là cơ hội thích hợp cho các vị thế chốt lời hơn là mua thêm từ nhà đầu tư.
Phải đến thứ năm 1/8 (theo giờ Việt Nam) thì quyết định của FED liên quan tới điều chỉnh lãi suất mới chính thức được đưa ra cho nên diễn biến trong hai phiên tiếp theo thứ ba và thứ tư có thể là tiếp tục giằng co và không rõ xu hướng. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 lại giảm, qua đó duy trì basis âm ở mức -2,64 điểm cho thấy sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 30/7, VN-Index có thể sẽ rung lắc và giằng co mạnh khi chỉ số tiếp cận với ngưỡng kháng cự 1.000 điểm (đỉnh tháng 4/2019). SHS cho rằng nhà đầu tư nếu đã mua được cổ phiếu ở các mức giá thấp trước đó có thể canh chốt lời quanh vùng 1.000 điểm của VN-Index và hạn chế mua mới trong giai đoạn này.
Vùng rủi ro đang tăng lên
(Công ty Chứng khoán Rồng Việt - VDS)
Xu hướng của VN-Index vẫn đang giằng co trước ngưỡng 1000 điểm. Hôm nay nhờ lực đỡ của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn nên VN-Index đã có sắc xanh vào cuối phiên. VDS nhận thấy vùng rủi ro đang tăng lên quanh ngưỡng này, nhà đầu tư có thể đứng ngoài quan sát hoặc chốt lời ngắn hạn trong thời gian này để giữ Tài khoản ở mức an toàn.
Có khả năng vượt ngưỡng tâm lý 1.000 điểm nhưng xác suất để chọn đúng cổ phiếu là rất thấp
(Công ty chứng khoán MB – MBS)
Một phiên ngược dòng bất ngờ của thị trường nhưng kịch bản thì vẫn không thay đổi, đó là chỉ số đi lên nhờ các trụ lớn trong khi mặt bằng cổ phiếu tăng rất kém. Với việc kéo trụ như vậy, thị trường có khả năng vượt ngưỡng tâm lý 1.000 điểm nhưng xác suất để chọn đúng cổ phiếu là rất thấp gây khó khăn cho việc trading ngắn han. Về kỹ thuật, ngoại trừ thanh khoản vẫn trong xu hướng giảm trong hơn 1 tuần qua thì các chỉ báo xu hướng vẫn ủng hộ xu hướng đi lên của thị trường. Tuy nhiên thị trường cũng đang cạn dần thông tin hỗ trợ, do vậy nhà đầu tư có thể chốt lời dần trong khi chưa vội mở vị thế mua mới.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.