Ngày 13/8 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN) lần đầu tiên công bố Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam. Bộ tài liệu này được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức tài chính quốc tế IFC, thành viên của nhóm ngân hàng thế giới, và sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Bộ nguyên tắc được ra mắt với mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đưa ra một loạt khuyến nghị về thông lệ quản trị công ty tốt nhất theo OECD, trọng tâm dành cho các công ty đại chúng tại Việt Nam. Bộ nguyên tắc bao gồm các tiêu chuẩn cao hơn yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luật, khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các thông lệ quốc tế tốt nhất. Tài liệu này cũng sẽ giúp Việt Nam hội nhập với các thị trường ASEAN vốn đã có các bộ nguyên tắc tương tự từ lâu.
Bộ nguyên tắc gồm 10 nguyên tắc với các khuyến nghị chi tiết về các thông lệ tốt nhất, tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên trong thực thi quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam. Sáu trong số 10 nguyên tắc tập trung vào chức năng hoạt động của hội đồng quản trị, đây là lĩnh vực đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa tại nhiều doanh nghiệp trong nước. Bốn nguyên tắc còn lại gồm các lĩnh vực như môi trường kiểm soát, công bố thông tin và minh bạch, quyền của cổ đông và quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan. Bộ nguyên tắc cũng gồm các điều khoản liên quan tới kinh doanh có trách nhiệm, như thúc đẩy đa dạng giới và khuyến khích sự tập trung mạnh mẽ hơn vào các vấn đề môi trường và xã hội trong hội đồng quản trị.
Dù Bộ nguyên tắc này chủ yếu nhằm hướng dẫn các thông lệ quản trị tốt cho các công ty đại chúng và niêm yết tại Việt Nam, các doanh nghiệp khác cũng có thể áp dụng như một chuẩn mực cho các thông lệ tốt về quản trị công ty.
Bình An/ Theo SSC
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.