Dow Jones giảm 800,49 điểm, tương đương 3,05%, xuống 25.479,42 điểm. S&P 500 giảm 85,72 điểm, tương đương 2,93%, xuống 2.840,6 điểm. Nasdaq giảm 242,42 điểm, tương đương 3,02%, xuống 7.773,94 điểm.
Hơn 300 cổ phiếu trong S&P 500 giảm 10% hoặc hơn từ đỉnh một năm, theo số liệu từ Refinitiv. Hơn 180 cổ phiếu trong số này rơi vào thị trường giá xuống, tức giảm hơn 20% so với đỉnh gần nhất.
Ngày 14/8 là phiên giảm điểm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 10/2018, sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2007, diễn biến được coi là tín hiệu suy thoái cận kề. Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đều đảo chiều trước mọi cuộc khủng hoảng xảy ra trong 50 năm qua.
Số liệu kinh tế tiêu cực từ Trung Quốc và Đức cho thấy kinh tế toàn cầu đang giảm tốc do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Anh rời Liên minh châu Âu và các căng thẳng địa chính trị.
“Tất cả thông tin đều tiêu cực, không có nhiều yếu tố tích cực”, Chuck Carlson, giám đốc điều hành tại Horizon Investment Services, bang Indiana, nói. “Chúng ta đã kết thúc mùa báo cáo lợi nhuận và thị trường đang biến động theo tin tức”.
“Thị trường sẽ còn tiếp tục phản ứng như hiện tại. Tôi đoán chúng ta trong tình trạng này cho đến sau Ngày Lao động 2/9”.
Tuy nhiên, Carlson cho rằng dù thị trường trái phiếu phát tín hiệu cảnh báo, điều đó cũng không có nghĩa suy thoái “sẽ xảy ra ngay ngày mai”.
Chỉ số CBOE VIX, thước đo sự sợ hãi trên Phố Wall, tăng 4,58 điểm lên 22,1 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 14/8 là 8,68 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 7,47 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch trước đó.
Như Tâm/ Theo Reuters
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.