Thống kê của Người Đồng Hành với 27 ngân hàng cho thấy trong tháng 8, phần lớn các đơn vị tăng lãi suất tiền gửi. Bên cạnh đó, một số nhà băng cung cấp các gói tiết kiệm riêng và chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất lên đến hơn 10%/năm.
Tăng lãi suất huy động ngắn, trung hạn
Ở kỳ hạn 1 tháng, Bắc Á đứng đầu với lãi suất toàn hệ thống là 5,5%/năm. Theo sau là một số ngân hàng quy mô nhỏ như SCB, Đông Á, NCB, OCB...
Trên mặt bằng chung, Bắc Á và NCB là 2 ngân hàng giữ mặt bằng lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 6-9 tháng, áp dụng 7,4-7,5%/năm trong khi những đơn vị khác phần lớn áp dụng dưới 7%/năm.
Lãi suất trung hạn cũng được một số ngân hàng đẩy lên. Bắc Á nâng lãi kỳ hạn 12-36 tháng từ 7,8% lên 7,9%/năm. OCB tăng lãi suất 18-36 tháng 0,3-0,35 điểm phần trăm, riêng lãi suất 16 tháng là 8%/năm. Eximbank đẩy lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng lên trên 8%, trong đó 13 tháng là 8,4%, 15-18 tháng là 8,3% và 24-36 tháng là 8,4%.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, BIDV đồng loạt nâng lãi suất kỳ hạn trên 24-36 tháng từ 6,9% lên 7%/năm. Trong khi đó, VietinBank lần đầu đẩy lãi suất lên 7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trong năm nay, các kỳ hạn khác không thay đổi.
Nửa đầu năm 2019, VietinBank tăng trưởng tín dụng và huy động chỉ đạt 3,5% và 3,9%/năm. Tiền gửi khách hàng, nếu tính cả tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá thì mức tăng 8,4%/năm so với đầu năm. Trong năm gần đây, do không thể tăng vốn cải thiện hệ số CAR theo chuẩn Basel II, VietinBank hạn chế trong việc huy động vốn và giải ngân tín dụng. Ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tìm giải pháp tăng vốn điều lệ.
Đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao
Ngân hàng Bản Việt vừa công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, tổ chức với lãi suất 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng - mức cao nhất trên thị trường cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi đến hiện tại. Ngoài 60 tháng, với các kỳ hạn khác 24-48 tháng, lãi suất áp dụng của ngân hàng này là 9,5-10%/năm.
Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng. Nguồn: Tổng hợp
Trước Bản Việt, VIB, VietABank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi 9,1% với kỳ hạn lần lượt 61 tháng và 24 tháng với tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng.
SHB cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị trên 2 tỷ đồng, các kỳ hạn 12-24 tháng có lãi suất 8,6-8,8%/năm. Nam Á Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 7 năm với lãi suất 8,9%/năm.
Các ngân hàng cũng áp dụng lãi suất tiền gửi khá cao. Bản Việt neo lãi suất 8,6-8,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Tiếp đó, ABBank công bố lãi suất tiền gửi 12 tháng 8,5%/năm, tăng so với mức 7,7%/năm của tháng trước. Nam Á Bank xếp thứ ba với lãi suất 8,45%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, yêu cầu tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Lãi suất cao tại các ngân hàng chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Một số đơn vị có lãi suất tại kỳ hạn đặc biệt như 13 tháng, cùng một số yêu cầu tiền gửi như trên 300-500 tỷ đồng như ABBank công bố lãi suất 8,3%/năm, LienVietPostBank 8%/năm...
Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi và để lãi suất cao tại các kỳ hạn dài của ngân hàng không ngoài mục đích bổ sung vốn trung và dài hạn trong bối cảnh siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, một số nhà băng cũng phát hành lượng lớn trái phiếu từ đầu năm nhằm bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II, bên cạnh việc huy động vốn dài hạn như BIDV, VietinBank, Vpbank, TPBank, ACB... Riêng VietinBank, được Ngân hàng Nhà nước cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu và đã thông báo chào bán hơn 5.600 tỷ đồng.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán MB, có 8 ngân hàng đã phát hành trái phiếu trong 7 tháng qua với tổng giá trị hơn 41.000 tỷ đồng, mức lãi suất dao động quanh 6,25-7,3%/năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất được đẩy cao trong bối cảnh ngân hàng muốn huy động vốn trung, dài hạn. Động thái đẩy lãi suất kỳ hạn 13 tháng lên cao vượt 8%/năm kèm điều kiện tiền gửi lên đến vài trăm tỷ, theo phân tích của một số chuyên gia, cũng không nằm ngoài khả năng là một "chiêu" của ngân hàng để neo lãi suất cho vay cao. 13 tháng thông thường là kỳ hạn để các ngân hàng dùng làm cơ sở tính lãi suất cho vay. Do đó, nếu lãi suất đầu vào tại kỳ hạn này cao cũng đồng nghĩa với lãi suất cho vay khó ở mức thấp.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.