Tiền thân Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) -TNHH MTV là Công xưởng Đô Thành thành lập năm 1975 và chuyển sang mô hình công ty TNHH MTV vào năm 2010. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó có SAMCO.
Theo kế hoạch, SAMCO thuộc nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn. Hiện SAMCO có điều lệ gần 1.797 tỷ đồng; như vậy giá trị phần vốn Nhà nước dự kiến thoái tính theo mệnh giá là khoảng 629-898 tỷ đồng.
Lãi liên kết đóng góp khoảng 40% lợi nhuận
Từ một công xưởng cơ khí ban đầu, SAMCO hiện đã phát triển thành một tổng công ty hoạt động trên 5 lĩnh vực chính bao gồm: sản xuất công nghiệp (sản xuất, lắp ráp ô tô các loại, đóng tàu), thương mại dịch vụ (kinh doanh ô tô các loại, phụ tùng), vận tải hành khách (khai thác bến xe, vận tải hành khách, lữ hành), vận tải hàng hóa (kinh doanh cảng biển, logistic), xây dựng công trình (cao ốc, khu phức hợp).
Những năm qua, doanh thu và lợi nhuận của SAMCO diễn biến không ổn định. Công ty đạt đỉnh doanh thu năm 2016 với con số hơn 8.200 tỷ đồng và đạt đỉnh lợi nhuận trước thuế 919 tỷ đồng năm 2017. Riêng năm 2018, lợi nhuận và doanh thu đều giảm sút, tương ứng còn 5.580 tỷ và 604 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, SAMCO ghi nhận tổng tài sản 6.783 tỷ đồng, phần lớn nằm ở khoản mục đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết với giá trị 2.020 tỷ đồng. Công ty vay nợ 1.190 tỷ đồng, khoảng gần 18% tổng tài sản.
SAMCO được biết đến với hệ thống đơn vị thành viên lớn và đa dạng với 8 công ty con, 2 liên doanh và 15 công ty liên kết được phản ánh theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
|
Giá trị đầu tư: tỷ đồng. Tỷ lệ: %.
|
Theo báo cáo, chỉ riêng các đơn vị liên doanh liên kết đã mang về lợi nhuận 358 tỷ đồng năm 2018 cho SAMCO, tương đương với 59% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. Khoản lãi liên kết các năm trước cũng duy trì mức đóng góp khoảng 40% lợi nhuận cho doanh nghiệp.
|
Lãi liên kết đóng góp khoảng 40% lợi nhuận giai đoạn 2014-2017.
|
Mục tiêu trở thành biểu tượng quốc gia
Trong định hướng chiến lược, SAMCO đặt mục tiêu trở thành biểu tượng quốc gia trong ngành cơ khí giao thông vận tải. Cụ thể, SAMCO tập trung phát triển nhanh các ngành kinh doanh cốt lõi, nâng cao thị phần các dòng sản phẩm chủ lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngành cơ khí giao thông, đầu tư công nghiệp hỗ trợ, phát triển kho bãi, logistic, cảng biển và dịch vụ vận tải.
SAMCO nêu mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm công ty mẹ là 8,5%/năm cho giai đoạn 2019 – 2023. Ước tính năm 2019 lợi nhuận trước thuế của SAMCO (mẹ) là 367 tỷ đồng, đến năm 2023 hơn 508,6 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với kết quả các năm liền trước nhưng thường thấy với cách đặt chỉ tiêu của các doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2018, công ty mẹ SAMCO ghi nhận doanh thu thuần 4.598 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 515 tỷ đồng, tức tương đương với kế hoạch lợi nhuận đến năm 2023. Dù kế hoạch thấp, SAMCO vẫn là một trong những doanh nghiệp “con cưng” của TP HCM khi đóng góp khoảng 400-500 tỷ đồng/năm vào ngân sách thành phố.
SAMCO ở đâu trong ngành?
Theo quy hoạch phát triển ngành, SAMCO là một trong 4 đơn vị đảm nhiệm vai trò nòng cốt phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam, cùng với Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM Corp, HoSE:
VEA) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (Vinacomin -TKV).
Trong đó, Vinacomin định hướng vào mảng xe tải hạng trung và nặng, xe chuyên dùng và các thiết bị công tác kèm theo. Do hoạt động chính ở mảng than-khoáng sản, Vinacomin ở một vị thế khác biệt lớn so với SAMCO.
Vinamotor và VEAM Corp có cùng định hướng tập trung sản xuất, lắp ráp xe khách, xe tải cỡ trung và nhỏ, xe con, động cơ, hộp số, cụm truyền động. Trong khi SAMCO tập trung lắp ráp, sản xuất xe khách, xe chuyên dùng và một số loại phụ tùng ô tô.
Năm 2016, Vinamotor đã trở thành thành viên của Tập đoàn BRG. Hiện tổng công ty này sở hữu 14 công ty con, 19 công ty liên kết và 2 liên doanh. Năm 2018, Vinamotor ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng nhẹ lên 1.150 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm đến 84% còn hơn 22 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối 2018 là 5.911 tỷ và vốn điều lệ 876 tỷ. Với những con số trên, SAMCO tỏ ra nổi trội hơn Vinamotor.
VEAM Corp là thương hiệu lớn tại khu vực phía Bắc. Năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 7.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7.126 tỷ đồng nhờ khoảng lãi liên kết khổng lồ 6.852 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối 2018 là 26.406 tỷ đồng và vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, vượt trội hơn so với SAMCO.
Sự vượt trội của VEAM chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ 3 liên doanh nổi tiếng Honda, Toyota và Ford Việt Nam. So về lợi nhuận gộp, SAMCO tỏ ra hiệu quả hơn với biên lợi nhuận gộp 11,7%, cao hơn của VEAM chỉ 8,5% trong năm 2018.
Riêng SAMCO cũng sở hữu cổ phần trong những liên doanh khá nổi tiếng như hãng xe sang Mescedes-Benz Vietnam (30% vốn), Isuzu Việt Nam (20%). Bên cạnh đó, SAMCO còn có các hợp tác để phân phối hầu hết các hãng xe tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, FUSO, Lexus, Nissan, Chevrolet.
Ngoài ra, SAMCO còn nắm giữ 100% vốn bến xe Miền Đông (bến xe lớn nhất Sài Gòn), sở hữu 51% vốn bến xe Miền Tây (công ty có EPS cao nhất sàn chứng khoán), nắm 49% công ty xe buýt SaigonBus, 51% công ty vận tải Kumho Samco Buslines, 51% Bến bãi Vận tải Sài Gòn (quản lý bến xe An Sương)…
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.