Ngày 28/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã ra chấp thuận niêm yết hơn 203,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (Mã CK:
GEG).
Ngày 30/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng chấp thuận hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu
GEG trên sàn UPCoM. Theo đó, dự kiến ngày 10/9/2019 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này trên sàn UPCoM và ngày 11/9 là ngày chính thức hủy niêm yết. Sau khi hoàn tất các thủ tục cuối cùng tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD),
GEG dự kiến chính thức giao dịch trên sàn HoSE ngày 19/9 với giá chào sản được xác định là giá trung bình 20 phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCoM; bên cạnh phương pháp tham khảo P/E với giá gần 32.000 đồng. Tính theo giá giao dịch bình quân đến hết ngày 6/9, mức giá dự kiến chào sàn HoSE của
GEG vào khoảng 27.566 đồng/cp.
GEG tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 7/2010 với vốn điều lệ khiêm tốn 262 tỷ đồng cùng danh mục chỉ có 11 nhà máy thủy điện với tổng công suất 61,6 MW. Năm 2016 được xem là bước ngoặt quan trọng khi Tổ chức tài chính quốc tế IFC trực thuộc Ngân hàng Thế giới và Quỹ Năng Lượng sạch Armstrong - Singapore chính thức trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ nắm giữ tương ứng 15,95% và 20,05%.
Hai cổ đông chiến lược nước ngoài đã hỗ trợ
GEG đạt được những thành công bước đầu trong việc phát triển đa dạng các loại hình năng lượng tái tạo. Ngày 21/3/2017,
GEG chính thức giao dịch trên UPCoM với giá chào sàn trước điều chỉnh là 20.000 đồng. Sau 8 lần thực hiện tăng vốn điều lệ trong 9 năm, hiện tại vốn điều lệ của Công ty đạt 2.038 tỷ đồng.
Giao dịch của
GEG trên UPCoM rất sôi động với khối lượng giao dịch trung bình 8 tháng năm 2019 đạt hơn 600.000 cổ phiếu/phiên so với mức chỉ gần 10.000 cổ phiếu/phiên giai đoạn năm 2017. So với mức giá sau điều chỉnh ngày đầu tiên trên UPCoM, giá cổ phiếu
GEG hiện tại đã tăng gấp 3 lần, vượt trội so với đà tăng của VN-Index chỉ với 37%. Tính đến ngày 6/9/2019,
GEG đang giao dịch quanh vùng giá 27.000 và tăng 85% tính từ đầu năm 2019, với giá trị vốn hóa là 240 triệu USD. Theo thống kê ngày 15/8/2019 của Công ty chứng khoán SSI,
GEG đứng thứ 2 trong top UPCoM có giá trị giao dịch tăng bất ngờ so với trung bình 5 phiên, đồng thời cũng nằm trong top 3 mã cổ phiếu UPCoM được các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng.
Nguồn: Vietstock
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, Việt Nam đã khai thác trên 90% tiềm năng kinh tế kỹ thuật thủy điện và cơ cấu này có xu hướng giảm dần. Theo EVN, tới nay các dự án thủy điện lớn có công suất trên 100 MW hầu như đã được khai thác hết. Các dự án có vị trí thuận lợi, chi phí đầu tư thấp cũng đã được triển khai thi công.
GEG đang có kế hoạch M&A 2 dự án thủy điện với tổng công suất 52,5 MW tại Huế để mở rộng danh mục thủy điện lên gần 140 MW với 16 nhà máy.
Về mảng điện mặt trời (ĐMT), ngoài 3 dự án đã hòa lưới trong năm nay,
GEG dự kiến sẽ tăng công suất thêm 100 MWp, nâng quy mô lên gần 400 MWp. Đặc biệt, tối ưu việc phối hợp phát triển điện mặt trời mái nhà với công ty cổ phần Năng lượng TTC (TTCE) - công ty chuyên về phát triển điện mặt trời rooftop, qua các giải pháp về kết nối, cung cấp thiết bị và phát triển kênh phân phối.
Về mảng điện gió,
GEG kết hợp việc phát triển dự án từ các bước khởi đầu cũng như tìm kiếm M&A nhằm tiết kiệm thời gian và đa dạng danh mục. Ngoài doanh thu từ mảng kinh doanh điện,
GEG cũng đang từng bước ghi nhận nguồn thu từ việc cung cấp các dịch vụ như quản lý vận hành, kỹ thuật, thí nghiệm, O&M, tư vấn và cung cấp Chứng chỉ năng lượng sạch I-REC cho các đối tác quốc tế.
GEG đang tiếp xúc và ký kết 100.000 REC - chứng chỉ năng lượng tái tạo từ các dự án thủy điện và điện mặt trời với các đơn vị quốc tế, mang lại giá trị gia tăng cho việc đầu tư các dự án.
Ngày 15/7/2019, danh sách các đơn vị xuất sắc trong hệ thống giải thưởng báo cáo thường niên (BCTN) Vision Award 2018 trên phạm vi toàn cầu do Hiệp hội truyền thông chuyên nghiệp Mỹ (LACP) tổ chức hàng năm được công bố. LACP đã có những đánh giá khách quan, minh bạch và chuyên sâu để chọn ra được những BCTN xuất sắc nhất. Cuộc thi thu hút gần 1.000 doanh nghiệp và tổ chức lớn thuộc 50 ngành nghề khác nhau trên thế giới từ năng lượng, ngân hàng, tài chính, tiêu dùng, nông nghiệp, sức khỏe, dịch vụ phi chính phủ…
GEG với mức vốn chủ sở hữu khoảng 105 triệu USD, ở mức trung bình khi so sánh giữa quy mô vốn hoạt động của các doanh nghiệp khác thuộc ngành năng lượng trong nước cũng như quốc tế, đã đạt số điểm gần như tuyệt đối 97/100 ngay trong lần đầu tiên tham gia. Trong đó, các hạng mục thông tin quan trọng như thông điệp gửi cổ đông, chất lượng thông tin báo cáo, thông tin tài chính, khả năng tiếp cận thông tin đều đạt điểm số tối đa 10/10.
Với chủ đề phát triển đồng bộ các loại hình năng lượng, BCTN của
GEG đã đạt giải bạc, xếp thứ 3 ngành năng lượng sau các Công ty CLP Holdings Limited (Đài Loan, Trung Quốc) và Amprion GmbH (Đức), đồng thời là đơn vị duy nhất của ngành năng lượng Việt Nam đạt giải quốc tế. Đây là nỗ lực của Công ty trong quá trình minh bạch hóa mọi hoạt động kinh doanh, đem lại hiệu quả lợi nhuận nhưng vẫn gắn với các cam kết về kinh tế, xã hội, môi trường. Ngoài
GEG, những doanh nghiệp Việt Nam khác đạt giải là HD Bank giải bạch kim trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và Tập đoàn Bảo Việt giải bạch kim cho ngành tài chính - bảo hiểm.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.