Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và rủi ro toàn cầu gia tăng là câu chuyện xuyên suốt thị trường trong tháng 8. Thống kê trong tháng cho thấy 70% số phiên giao dịch chỉ số VN-Index vận động đồng pha với S&P 500, ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến của chỉ số trong bối cảnh thị trường Mỹ thiếu đi động lực tăng điểm.
Khối ngoại bán ròng hơn 1.730 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn HoSE, trái ngược với trạng thái mua ròng 2.340 tỷ đồng trong tháng 7. Tỷ trọng giao dịch của NĐTNN trên toàn thị trường trong tháng 8 chỉ đạt 11,8%, tương ứng với tháng giảm thứ 3 liên tiếp và là mức thấp nhất ghi nhận trong năm 2019.
Khối ngoại tập trung bán ròng đối với
VJC,
HPG,
VRE,
VCB... Ở chiều ngược lại,
VIC dẫn đầu nhóm mua ròng với quy mô 1.060 tỷ đồng, trong đó 88% giá trị đến từ kênh giao dịch thỏa thuận.
Giao dịch qua kênh ETF chững lại. Thống kê đối với 4 quỹ ETF (VFMVN30, DB FTSE, Van Eck ETF và Premia ETF), tổng giá trị bán ròng đạt 993 tỷ đồng trong tháng 8, cho thấy sự đảo chiều của dòng vốn ETF sau giai đoạn mua ròng mạnh kể từ đầu năm 2019. Quy mô bán ròng tập trung phần lớn đối với VFMVN30 (chiếm gần 46% giá trị).
Mặc dù đối mặt với không ít các yếu tố rủi ro, thị trường vẫn đón nhận một số động lực hỗ trợ cho xu hướng đi lên, bao gồm việc Fed hạ lãi suất và HoSE xây dựng 3 chỉ số mới, dành cho các cổ phiếu hết room và ngành tài chính, tạo ra kỳ vọng xuất hiện dòng vốn mới từ các quỹ ETF đối với nhóm cổ phiếu này.
Cụ thể, HOSE đã công bố quy tắc xây dựng và quản lý dành cho Vietnam Diamond Index, Vietnam Leading Financial Index và Vietnam Select Sector Index.
Đối với Vietnam Diamond Index, đây là chỉ số hướng đến các cổ phiếu kín room nước ngoài. Bên cạnh các tiêu chí như vốn hóa, thanh khoản, chất lượng cổ phiếu, các cổ phiếu sẽ được xem xét về FOL (hệ số giữa tỷ lệ nắm giữ hiện tại của NĐTNN so với tỷ lệ được phép nắm giữ của NĐTNN) và GTVH_ngm (Giá trị vốn hóa NĐTNN còn có thể mua được). Số cổ phiếu trong rổ tối thiểu là 10 và tối đa là 20.
Chịu ảnh hưởng từ 2 nhóm yếu tố kể trên, VN Index quay trở lại với xu hướng giằng co, chỉ số hình thành các chuỗi tăng, giảm rõ rệt trong tháng. VN Index và VN30 Index không thay đổi nhiều về mặt điểm số nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 7. Cụ thể, VN Index giảm 0,8% về 997,39 điểm trong khi VN30 Index tăng hơn 1% lên 892,5 điểm.
Nhóm dư room nước ngoài có thể hưởng lợi nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng
Bước sang tháng 9, thị trường vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều biến số phức tạp, như giao dịch của NĐTNN hay các yếu tố vĩ mô. Các thông tin vĩ mô quốc tế đang trở nên khả quan hơn nếu so sánh với tháng 8 khi Mỹ và Trung Quốc vừa xác nhận quay trở lại đàm phán vào tháng 10 tới. Hơn nữa, Fed đang được kỳ vọng giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 17 và 18/9.
Các yếu tố mang tính chất nội tại như kết quả kinh doanh quý III ước tính của các doanh nghiệp niêm yết, các thông tin mới liên quan đến bộ 3 chỉ số mới của HOSE cũng sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường. Sự kiện quan trọng nhất trong tháng 9, đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam là kết quả phân loại thị trường của FTSE.
Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng được FTSE cân nhắc đưa vào nhóm thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging), cùng với Argentina và Romania. Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ hồi tháng 3/2019, cả 3 quốc gia vẫn đạt tất cả các tiêu chí xếp loại.
So sánh một cách tương đối, Kuwait có giá trị vốn hóa bằng 1/2 Việt Nam đã thu hút được 950 triệu USD vốn từ các quỹ thụ động sau khi nâng hạng. Tuy nhiên, các cổ phiếu niêm yết của Việt Nam chịu nhiều hạn chế về room nước ngoài nên khả năng thu hút vốn sẽ khó trong ngắn hạn nhưng sẽ mở dần cùng với lộ trình nới room và thoái vốn Nhà nước của các doanh nghiệp.
Trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng, các cổ phiếu của Việt Nam sẽ được thêm vào danh mục của bộ chỉ số FTSE Global Equity Index. Hiện có hơn 70 cổ phiếu đạt các tiêu chí này, tuy nhiên phần lớn sẽ nằm trong nhóm Small-cap hoặc Micro-cap không được hưởng lợi nhiều từ dòng vốn ETF. Để đón nhận dòng vốn ETF dồi dào, các cổ phiếu cần vào được nhóm mid-cap, tương đương top 90% về vốn hóa của cả thị trường EM. Các cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất khả năng sẽ là các cổ phiếu dẫn đầu có dư room nước ngoài như
VIC,
VNM,
VHM,
NVL,
VCB,
VRE,
VJC,
HPG,
POW,
BVH và
PLX.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.