Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 0,05% về cuối phiên 24/9. Các chỉ số chứng khoán lớn diễn biến trái chiều và dao động trong biên độ nhỏ.
Ở chiều tăng, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,09%, với một số cổ phiếu nặng ký đều giảm hơn 1%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite đồng loạt tăng 0,3%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,2%. Kospi của Hàn Quốc đảo chiều và tăng 0,45% về cuối phiên.
Ở chiều giảm, ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,01% và 0,1%. Một số thị trường chứng khoán khác tại Đông Nam Á cũng giảm điểm.
Số liệu kinh tế được châu Âu công bố ngày 23/9 làm dấy lên lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Theo báo cáo từ IHS Markit, lĩnh vực sản xuất của Đức suy giảm với PMI tháng 8 xuống thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lĩnh vực dịch vụ cũng tăng chậm nhất trong 9 tháng qua. Nhìn chung, PMI sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu xuống dưới ngưỡng tăng trưởng và thấp nhất hơn 6 năm. Ngoài ra, PMI dịch vụ của khu vực cũng thấp nhất 8 tháng.
Ông Tapas Strickland, Giám đốc kinh tế và thị trường tại National Australia Bank, nhận định: "Với số liệu PMI yếu ớt như vậy, Đức có thể sẽ rơi vào cuộc suy thoái kỹ thuật trong quý III".
Liên quan tới vấn đề thương mại, các nhà nhập khẩu Trung Quốc được cho là đã mua khoảng 600.000 tấn đậu tương của Mỹ sau vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung tuần trước. Đơn hàng này dự kiến được giao trong 3 tháng cuối năm nay. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết vòng đàm phán thương mại cấp bộ trưởng sẽ diễn ra trong 2 tuần tới, thay vì đầu tháng 10 như dự kiến.
Thanh Long/ Theo CNBC
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.