Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BIDV (HoSE:
BID) dự kiến hoàn tất tăng vốn trong quý III và có thể đáp ứng được Basel II.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của BIDV, nói ngân hàng đã nộp hồ sơ Basel II lên NHNN, chờ xét duyệt. BIDV cũng đang hoàn thành việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc), dự kiến nhận tiền từ đối tác trong tháng 10.
2 tháng trước, Hội đồng Quản trị của BIDV đã thông qua việc chào bán riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ cho đối tác KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 20.295 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng. Nhà nước sẽ giảm sở hữu từ 95% còn 80,8% vốn.
Bên cạnh cơ cấu lại tài sản có và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, tăng vốn là một trong những cách giúp các ngân hàng nâng cao hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng được các điều kiện của Basel II. Riêng với BIDV, tại phiên họp thường niên đầu năm, ngân hàng được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ, qua 4 nguồn gồm phát hành ra công chúng, phát hành ESOP tổng số 340 triệu cổ phiếu và có thể phát hành cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại, bên cạnh chào bán cho KEB Hana Bank.
Phương án tăng vốn của BIDV. Nguồn: Tài liệu họp ĐHCĐ thường niên.
Tính đến cuối 2018, BIDV có 12.341 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Nếu có thể dùng nguồn này, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng tối đa gấp rưỡi so với hiện tại. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, dù cấp thiết trong vấn đề tăng vốn, BIDV đều phải chia cổ tức bằng tiền mặt theo chỉ định của NHNN và Bộ Tài chính do liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách.
Các tờ trình của về chia cổ tức của nhà băng này tại mỗi mùa họp ĐHCĐ đều đưa phương án “nước đôi” bằng tiền hoặc cổ phiếu sau đó chốt phương án thực hiện theo quyết định của cổ đông lớn nhất là NHNN.
Gần đây, NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó quy định các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
BIDV là một trong số ngân hàng giữ lượng lớn trái phiếu VAMC với tổng giá trị 12.854 tỷ đồng đến cuối tháng 6, trong đó đã dự phòng 7.879 tỷ đồng. Nếu được thông qua, Thông tư mới được cho là có thể gỡ thế khó của ngân hàng này.
Nợ xấu đứng đầu hệ thống
Trong 6 tháng đầu 2019, nợ xấu của BIDV tăng 8 điểm cơ bản, ở mức 1,98% với giá trị 21.121 tỷ đồng. Xét trên tổng quy mô hệ thống, tổng nợ nhóm 3-5 của ngân hàng chiếm 25%, đứng đầu trong tất cả ngân hàng.
Bên cạnh đó, nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng đột biến 3.360 tỷ đồng trong nửa đầu 2019, lên 10.492 tỷ đồng, chiếm gần 50% nợ xấu, lớn nhất trong hệ thống. Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng hơn 500 tỷ đồng lên 6.080 tỷ đồng, chỉ riêng nợ nghi ngờ giảm hơn 1.600 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ xấu của BIDV. Nguồn: BCTC.
Trong một báo cáo, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định việc xử lý nợ xấu và cải thiện rủi ro tín dụng của BIDV đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Tổng rủi ro tín dụng bao gồm nợ cần chú ý, nợ xấu và lượng nợ được xử lý cộng dồn chiếm 5% dư nợ 6 tháng, gần gấp đôi so với số liệu trung bình các ngân hàng khác.
Theo VCSC, mức so sánh này không bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC của BIDV. Thậm chí, sau khi thanh toán toàn bộ số dư VAMC, CTCK cho rằng chi phí dự phòng của BIDV vẫn tiếp tục tăng để xử lý nợ xấu nội bảng. Đến cuối tháng 6/2019, ngân hàng đang trích lập dự phòng 15.348 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bao nợ xấu hơn 75%.
VCSC nhận định ngoài dự phòng, các nỗ lực để cải thiện quản lý rủi ro là cần thiết với BIDV nhằm hạn chế các khoản vay có vấn đề mới hình thành.
Tăng trưởng cho vay hạn chế do vốn
Nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 17.638 tỷ đồng, cao hơn 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,7% đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi trước thuế giảm 5% ở mức 4.708 tỷ đồng.
Báo cáo VCSC ghi nhận lợi suất cho vay của BIDV giảm 21 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 9 điểm cơ bản so với quý trước với các khoản vay nhóm 1 do chi phí huy động tăng làm giảm khả năng cạnh tranh và sự thu hẹp cho vay bán lẻ và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Dư nợ cho vay vào 2 lĩnh vực này chỉ tăng 5% thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ.
Nguồn vốn hạn hẹp hiện tại của BIDV là nguyên nhân chính giới hạn tăng trưởng các khoản cho vay dài hạn tại ngân hàng. VCSC dự báo lợi suất cho vay sẽ cải thiện nhẹ từ năm 2020 với sự hỗ trợ tài chính và chiến lược từ KEB Hana.
Đồng quan điểm này, Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng thương vụ với KEB Hana Bank sẽ là bước đệm tăng trưởng cho ngân hàng. Theo KIS Việt Nam, kinh nghiệm quản lý của KEB Hana Bank phù hợp với Basel II và Basel III, se hỗ trợ BIDV trong kế hoạch tái cấu trúc danh mục cho vay bằng cách tập trung vào khách hàng bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, gia tăng lợi nhuận và kiểm soát rủi ro.
Quý III sắp kết thúc, thị trường vẫn chờ đợi BIDV hoàn tất tăng vốn và trở thành ngân hàng tiếp theo đạt Basel II.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.