Năm 2019, dòng vốn ngoại vẫn đổ ròng vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dù không còn mạnh mẽ như ở các năm trước. Tính riêng trên sàn HoSE, khối ngoại có năm mua ròng thứ 3 liên tiếp nhưng giá trị giảm 84,5% so với 2018 còn 6.700 tỷ đồng và nếu tính về khối lượng thì bán ròng hơ 37 triệu cổ phiếu. Trong 3 năm qua, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng gần 76.000 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Động thái của khối ngoại luôn có tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán và sang đến năm 2020, dòng vốn ngoại được kỳ vọng tiếp tục đi theo chiều hướng tích cực nhờ triển vọng nâng hạng cũng như việc ra đời các bộ chỉ số mới.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận chiến lược thị trường, khối Phân Tích, Chứng khoán VNDirect (VNDirect) không đánh giá cao khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI trong năm 2020. Trước đó, năm 2019 Việt Nam chưa được nâng hạng do vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí như sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) hay giao dịch cổ phiếu (T+2). Tuy nhiên, ông kỳ vọng Việt Nam sẽ được tăng mạnh tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên của MSCI, từ đó được các quỹ theo dõi MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index mua ròng mạnh và sẽ có tác dụng tích cực đến các chỉ số.
Bên cạnh đó, các quỹ ETF ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nắm bắt được nhu cầu đó, HoSE đã triển khai 3 bộ chỉ số mới VN DIAMOND, VN FIN SELECT, VN FIN LEAD. Các chỉ số này nhắm đến các doanh nghiệp bluechip và mid-cap có nền tảng tài chính vững chắc, tiềm năng tăng trưởng cao và đặc biệt là hết hoặc còn ít room ngoại. Từ các bộ chỉ số này, một số quỹ và các công ty chứng khoán lớn đang triển khai các sản phẩm ETF và dự kiến ra mắt trong nửa đầu năm 2020, hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại.
Chuyên gia đến từ VNDirect cho rằng dòng vốn ngoại, đặc biệt từ các quỹ ETF, sẽ đổ mạnh trong năm 2020, tập trung vào nhóm cổ phiếu large cap.
Tương tự, ông Phạm Tiến Dũng - Phó giám đốc khối Phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán Bảo Việt (BSVC) cũng cho rằng TTCK Việt Nam có nhiều điểm nhấn hấp dẫn mà các nhà đầu tư lớn trên thế giới không thể bỏ qua như quy mô GDP đứng trong nhóm 50 nền kinh tế lớn trên thế giới, là một trong những nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao; cơ cấu dân số vàng; quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu liên tục tăng và chiếm trên 80% GDP. Bên cạnh đó, cổ phiếu trong các rổ ETF mới, các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có khả năng được dòng vốn ngoại quan tâm bởi lẽ thị trường Việt Nam sẽ sớm được MSCI Frontier Markets nâng tỷ trọng và nâng hạng trong các năm tới.
Còn theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc chiến lược Chứng khoán Dầu khí (PSI), P/E TTCK Việt nam đang ở mức hấp dẫn 15,5 -15,9 (tiêu chuẩn đầu tư theo P/E, thị giá thấp so với mức thu nhập vẫn là tiêu chí ưa chuộng của các quỹ đầu tư đại chúng, các quỹ mô phỏng chỉ số). Các cổ phiếu lớn thuộc nhóm VN30 sẽ được quan tâm hơn cả. Đây là các cổ phiếu lớn đại diện của các nhóm ngành lớn của Việt Nam từ ngân hàng, tài nguyên cơ bản, năng lượng, tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, bán lẻ, công nghệ. Các cổ phiếu lớn như VCB, BID, VHM, HPG, PNJ…sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức. Bên cạnh đó, 2020 là năm mà Chính phủ và các bộ ban ngành cũng rất quyết tâm đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn các doan nghiệp Nhà nước. Nguồn cung hàng được đẩy ra thị trường đa dạng cũng sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước.
Còn về vấn đề nâng hạng, chuyên gia đến từ PSI cho rằng 8/17 tiêu chí chưa đáp ứng được của TTCK Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện triệt để trong năm 2020 và có thể phải chờ sang năm 2021. Vì vậy, ông Khánh không đánh giá cao khả năng lọt vào danh sách nâng hạng TTCK trong năm 2020 và câu chuyện đầu tư cũng sẽ chỉ đến những cổ phiếu có những câu chuyện riêng.
Giám đốc chiến lược PSI đánh giá các bộ chỉ số mới sẽ thu hút dòng tiền vào các quỹ ETF và đây là những thông tin tích cực hỗ trợ thị trường trong năm 2020.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.