Trước mắt, chỉ số Vn-Index vẫn đang vận động dưới vùng kết nối 985 điểm, nhưng về dài hạn, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, vùng này sẽ sớm được chinh phục, được kỳ vọng là vùng hỗ trợ – bệ đỡ tin cậy cho Vn- Index chinh phục, tái lập những đỉnh cao đã thiết lập trước đó.
Dự báo năm 2020, Vn-Index sẽ trong xu hướng kênh tăng là chủ đạo, mốc quan trọng sẽ được thử thách, tái chinh phục là 1.200 điểm. Đồng thời, các ngành nghề mũi nhọn sẽ đồng hành với Vn-Index trong quãng đường dài phía trước, trong đó có nhóm dầu khí.
Điểm rơi lợi nhuận
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hoạt động đầu tư khai thác dầu khí đã giảm mạnh trong những năm gần đây, khiến có thời điểm sản lượng khai thác giảm về mức thấp nhất trong 20 năm là 11 triệu tấn.
Do sản xuất dầu khí chiếm tỷ trọng cao trong cấu phần GDP cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước, VDSC cho rằng đã đến lúc các dự án khai thác bị trì hoãn cần được khởi động lại. Sau khi ổn định nhân sự cấp cao tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), VDSC kỳ vọng tiến độ đầu tư dự án sẽ rõ ràng hơn.
Trước đó, báo cáo chiến lược của Chứng khoán VNDirect kỳ vọng điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) dầu khí là năm 2020. Cơ sở để đưa ra nhận định này là giá dầu sẽ được hỗ trợ trong ngắn hạn khi OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng, Iran tiếp tục chịu cấm vận từ Mỹ và ảnh hưởng từ việc gián đoạn nguồn cung khác (Venezuela và Lybia).
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này lại cho rằng giá dầu trong trung hạn sẽ ổn định ở mức 60-70 USD/thùng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và chi phí khai thác tăng lên khi các nguồn cung giá rẻ tại các khu vực nước nông cạn kiệt dần.
Theo đó, giá dầu Brent sẽ duy trì trên 60 USD/thùng trong 4 năm tới, tương ứng với chi phí hòa vốn của nguồn cung dầu thô mới trong trung hạn ở mức 60-70 USD/thùng.
VNDirect nhận định mức giá dầu hiện tại đang tạo điều kiện thuận lợi cho PVN đẩy mạnh hoạt động thăm dò sau nhiều năm không chú trọng đầu tư. Trong những năm trước, hoạt động dầu khí của Việt Nam tập trung ở vùng biển nông dưới 1.000m. Để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng dầu khí lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ nước sâu trên 1.000m.
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi vốn đầu tư lớn và đi kèm với nhiều rủi ro về an ninh, chính trị… Điều đó đã phần nào làm nản lòng các nhà đầu tư và dẫn tới kết quả trữ lượng thấp. Đồng thời, các mỏ dầu lớn đang đi vào giai đoạn cuối của vòng đời khai thác.
Do việc thăm dò và khai thác không có nhiều tiến triển dẫn đến kết quả kinh doanh của các DN trong mảng này khá thất thường và không đồng đều giữa các công ty trong cùng lĩnh vực.
Từ những kỳ vọng chuyển mình của toàn ngành, trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020, nhóm cổ phiếu dầu khí gây bất ngờ khi đồng loạt tăng giá, hỗ trợ lớn cho Vn-Index trong cả những phiên tăng và giảm điểm.
Cơ hội đầu tư
Có thể kể đến như
GAS ghi nhận mức tăng 3,5% từ 93.700 đồng/cp (phiên 31/12/2019) lên 97.000 đồng/cp (phiên 8/1) – là mức giá đã điều chỉnh 2 phiên. Trước đó,
GAS đạt mức giá 97.800 đồng/cp tại phiên 6/1.
Tương tự, cổ phiếu
PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng tăng mạnh từ 15.050 đồng lên 15.650 đồng/cp, tương đương gần 4% sau 5 phiên giao dịch của năm 2020.
Thời gian gần đây, cổ phiếu
PVD liên tiếp được các công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị theo dõi nhờ kỳ vọng công ty được hưởng lợi từ giá thuê giàn cải thiện. Trong bối cảnh Việt Nam cần tăng quy mô thăm dò dầu khí một cách nhanh chóng, PV Drilling được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hợp đồng nội địa trong trung hạn.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cổ phiếu
PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), bởi chỉ sau 5 phiên giao dịch của năm 2020, cổ phiếu này ghi nhận mức tăng 8% từ mức giá 17.500 đồng lên 18.900 đồng/cp.
Đây là cổ phiếu có vốn hóa thuộc loại lớn trong ngành dầu khí Việt Nam. Với nhiều lĩnh vực hoạt động đa dạng và bao trọn vòng đời khai thác của các mỏ dầu, kết quả kinh doanh của DN này không trồi sụt quá thất thường.
Trong khoảng 6 tháng cuối năm 2019, giá cổ phiếu
PVS điều chỉnh khá mạnh và đã kiểm tra thành công vùng đáy cũ hồi tháng 10/2018 (vùng 15.500-17.000 đồng/cp), việc mua vào tại vùng giá này được các nhà phân tích cho rằng hợp lý.
Theo VDSC, việc tăng tốc ở dự án Nam Côn Sơn 2, Nhà máy lọc dầu Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt và các dự án nhỏ khác có thể sẽ tạo nên câu chuyện hồi phục cho CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã:
PVB) và CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã:
PXS).
Bên cạnh những cổ phiếu nói trên, cổ phiếu
PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PV Trans) cũng được giới phân tích đánh giá cao, bởi đây là một trong số ít DN dầu khí có sự tăng trưởng ổn định trong những năm vừa qua.
Giá cổ phiếu
PVT điều chỉnh trong thời gian gần đây nhưng vẫn nằm trên đường hỗ trợ dài hạn (vùng 15.800- 16.300 đồng/cp), được đánh giá là vùng hỗ trợ có độ tin cậy cao của cổ phiếu này.
Linh Đan
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.