Mặc dù đã lên tiếng bác bỏ thông tin phá sản, nhưng với khoản lỗ “khổng lồ” hiện nay, nếu không có sự chuyển biến, khả năng Vietnam Airlines phải đối mặt với nguy cơ âm vốn chủ sở hữu là có thể xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến "vận mệnh" của cổ phiếu HVN trên sàn chứng khoán.
Những ngày vừa qua, thông tin Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nộp đơn xin phá sản lan truyền trên các trang mạng xã hội đã gây sốc cho giới đầu tư. Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ với giới truyền thông, Trưởng ban Tài chính Trần Thanh Hiền khẳng định, thông tin hãng xin phá sản chỉ là tin đồn thất thiệt, Vietnam Airlines cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc làm đơn xin phá sản.
Nguy cơ âm vốn chủ sở hữu
Vừa mới trải qua quý đầu năm đầy khó khăn, chưa kịp hồi phục thì làn sóng Covid-19 thứ hai ập tới vào cuối tháng 7 khiến các hãng hàng không điêu đứng.
Theo đó, Vietnam Airlines đã phải dừng hoạt động 22 đường bay mới mở trong giai đoạn phục hồi mùa hè. Hiện, hãng mới chỉ khai thác lại 11 đường bay và đang có kế hoạch nghiên cứu hồi phục số còn lại.
Trước những khó khăn do dịch bệnh, ông Trần Thanh Hiền cho biết, doanh thu dự kiến 9 tháng đầu năm của Vietnam Airlines chỉ tương đương 1/3 cùng kỳ năm 2019, đạt 29.948 tỷ đồng; lỗ trước thuế hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng, tương đương 70,8% kế hoạch lỗ cả năm 2020, trong đó riêng công ty mẹ là 8.737 tỷ đồng. Sản lượng vận chuyển hành khách giảm 41% xuống còn 10,2 triệu lượt; sản lượng vận chuyển hàng hóa 146.000 tấn, giảm 43%.
Tính riêng trong quý III, doanh thu của Vietnam Airlines giảm mạnh, chỉ bằng 32% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai từ hồi cuối tháng 7. Sản lượng hành khách tuy tăng 36% so với quý II, nhưng hãng vẫn lỗ khoảng 3.626 tỷ đồng.
Theo ông Hiền, ngay cả khi lượng hành khách tăng, giá bán vẫn chưa thể đạt được so với trước đại dịch, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.
“Để sống sót đến nay, Vietnam Airlines đã cắt giảm triệt để chi phí hoạt động, tiết giảm được 5.335 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2020, nợ đến hạn phải trả nhưng được gia hạn của công ty là 4.260 tỷ đồng, con số này sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, đạt khoảng 6.000 tỷ đồng”, ông Hiền cho biết.
Trước đó, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của Vietnam Airlines, tính đến cuối tháng 6/2020, tổng nợ vay của công ty ở mức gần 35.000 tỷ đồng, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó lên đến 3,1 lần. Với đà suy giảm và những nỗ lực cầm cự để đảm bảo số dư tiền như trong quý III vừa qua, hệ số này chắc chắn phải tăng lên khá nhiều.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đang ở mức gần 11.400 tỷ đồng, trong khi khoản lỗ lũy kế 9 tháng đã lên tới 10.750 tỷ đồng, tương đương gần 94,3% vốn chủ sở hữu. Nếu không có sự chuyển biến tích cực hơn của dịch bệnh, khả năng Vietnam Airlines phải đối mặt với nguy cơ âm vốn chủ sở hữu là rất có thể xảy ra.
Bao giờ "bay cao" trở lại?
Tính đến phiên giao dịch ngày 13/10, cổ phiếu
HVN vẫn đang duy trì ổn định mức vốn hóa hơn 1,6 tỷ USD và đóng cửa tại mức giá 26.250 đồng/cp. Xét tham chiếu với ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE là 40.000 đồng/cp, Vietnam Airlines đã mất khoảng gần 30% vốn hóa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành hàng không đang liên tiếp hứng chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19, con số này theo giới chuyên gia và nhà đầu tư, là có thể chấp nhận được. Đồng thời,
HVN vẫn đang là một trong những mã chứng khoán có lượng giao dịch lớn trên sàn HoSE.
Thế nhưng, với những khó khăn đã và đang diễn ra tại Vietnam Airlines, nhiều người đang bày tỏ sự lo ngại cho sức chống chọi của cổ phiếu
HVN trong giai đoạn tới. Hiện,
HVN đang nằm trong danh sách cổ phiếu bị cắt margin (vay ký quỹ) của HoSE do lỗ lũy kế.
Theo chia sẻ của nhà đầu tư Xuân Hải (Hà Nội): “Với kinh nghiệm đầu tư chứng khoán hơn 10 năm của tôi thì việc
HVN đứng vững giữa bão dịch thời gian qua rất có thể là do các nhà đầu tư tổ chức đỡ giá, chứ nhà đầu tư nhỏ lẻ chắc chắn sẽ không chơi”.
Trước đó, tại báo cáo cập nhật cổ phiếu
HVN, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trong vài năm tới,
HVN sẽ chịu áp lực không nhỏ từ tình hình cạnh tranh và khả năng suy giảm thị phần.
VCBS dự báo năm 2020, Vietnam Airlines sẽ đạt doanh thu 33.204 tỷ đồng (giảm 66,2%), lỗ sau thuế 14.842 tỷ đồng. Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo
HVN sẽ ghi nhận lỗ 10.000 tỷ đồng.
Quá trình phục hồi lần này vẫn còn nhiều bất ổn do các diễn biến dịch bệnh khác nhau trên khắp thế giới. Theo giả định hiện tại của VCSC, tổng lượng sản lượng vận tải hành khách của hãng hàng không quốc gia chỉ có thể quay lại con số trước dịch Covid-19 kể từ năm 2022.
Từ những dữ liệu đó, VCSC định giá
HVN ở mức 19.400 đồng/cp, thấp hơn khá nhiều so với mức giá thị trường hiện nay của mã này.
Thế nhưng, ở góc nhìn lạc quan, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng, Vietnam Airlines đang nỗ lực từng ngày để giải quyết những khó khăn trước mắt một cách nhanh nhất. Hơn nữa, đầu tư vào cổ phiếu hàng không là đầu tư cho tương lai, nên không thể nóng vội.