Dù dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhưng tác động tiêu cực trong một thời gian dài trước đó cộng với tình hình bão lũ diễn biến phức tạp gần đây khiến thu nhập của đa số người dân bị giảm mạnh, dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không dịp tết năm nay sẽ ít hơn.
Dự báo nhu cầu đi lại bằng máy bay trong dịp tết 2021 sẽ giảm so với năm trước. (Ảnh: Int)
Tính đến thời điểm hiện nay, các hãng hàng không đã mở bán vé máy bay dịp Tết dương lịch 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu được 2 tháng, nhưng số lượng vé bán ra chưa nhiều, dù giá vé thấp hơn 10-15% so với năm ngoái.
Cung cao, cầu thấp
Thông tin từ Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) cho thấy, trong dịp Tết dương lịch và Tết Tân Sửu sắp tới, đơn vị này cung ứng ra thị trường hơn 2 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa.
Hãng hàng không Vietjet cũng đưa ra thị trường 1,5 triệu vé trên 50 đường bay nội địa trong dịp tết.
Tương tự, Bamboo Airways đã mở bán khoảng 1,2-1,5 triệu vé. Hãng cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại trên nhiều đường bay nội địa với giá vé gốc dịp tết chỉ ở mức 69.000 - 99.000 đồng.
Khảo sát trên website của các hãng hàng không ngày 21/10 cho thấy, vé máy bay giai đoạn Tết dương lịch và Tết Nguyên đán vẫn còn khá nhiều ở hầu hết các chặng bay, giá vé từ 699 nghìn đồng/chặng (đã bao gồm thuế, phí).
Theo đó, từ ngày 1/1/2021 (ngày đầu nghỉ Tết dương lịch), chiều bay TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng và TP.HCM - Phú Quốc ở hầu hết các chuyến bay của các hãng hàng không đều còn vé, giá bán dao động từ 700.000 đồng/vé/chiều. Chiều ngược lại từ Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé cao hơn, ở mức khoảng hơn 1,2 triệu đồng/vé/chặng.
Chẳng hạn, với Pacific Airlines, ngày 1/1/2021, chiều bay TP.HCM - Hà Nội có giá vé từ 689.000 đồng, chiều ngược lại vào ngày 4/1/2021 (ngày cuối nghỉ Tết Dương lịch) có giá vé từ gần 600.000 - 689.000 đồng và khách hàng có thể thoải mái lựa chọn khung giờ bay.
Dịp Tết Tân Sửu, từ ngày 9 - 16/2/2021 (ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) được xem là giai đoạn cao điểm về nhu cầu đi lại của người dân, nhưng số lượng chuyến bay vẫn còn hiển thị nhiều vé, ở nhiều khung giờ khác nhau với giá khá "mềm" cho khách hàng lựa chọn.
Theo đó, ở chặng khứ hồi Hà Nội - TP.HCM khởi hành ngày 9/2 và trở lại TP.HCM ngày 16/2 (mùng 5 Tết), Bamboo Airways cung ứng vé ở mức giá 603.000 đồng và 1.296 nghìn đồng, đã bao gồm thuế và phí. Trong khi đó, giá vé rẻ nhất cùng chặng của Vietnam Airlines cung ứng ở mức 579.000 đồng và 920.000 đồng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chặng bay khứ hồi TP.HCM - Hà Nội cùng lịch bay trên đang được Bamboo Airways chào bán với giá vé thấp nhất ở mức 3,6 triệu đồng. Giá vé tương ứng của Vietnam Airlines và Vietjet Air là 3,5 triệu đồng.
Chị Thu Hương, một đại lý bán vé máy bay cấp 1 tại Hà Nội cho biết, vé Tết đã được mở bán sớm, giá bán năm nay giảm từ 10-15% so với năm ngoái để khuyến khích người dân đi lại bằng máy bay, nhưng sức mua vẫn rất thấp. Nguyên nhân là do tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nên người dân vẫn chưa có tâm lý chuẩn bị mua vé máy bay Tết. Bên cạnh đó, năm nay nguồn thu nhập bị giảm do thiên tai, dịch bệnh nên nhiều người dân đã hoãn, hủy kế hoạch về quê hay đi du lịch vào dịp Tết.
"Sau gần 2 tháng mở bán, số lượng vé máy bay bán ra khá ít. Hy vọng lượng khách đặt mua vé Tết sẽ tăng cao trong thời gian tới”, chị Hương nói.
Giá vé máy bay trong dịp Tết Tân Sửu của Bamboo Airways giảm thấp chưa từng có.
Hút khách bỏ tiền mua vé sớm
Thực tế, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá vé máy bay giảm thấp chưa từng có. Hiện, giá vé những ngày thường chỉ dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Việc giá vé máy bay giảm xuống đáy được cho là nỗ lực nhằm lôi kéo người dân tăng nhu cầu đi lại, góp phần mở ra lối thoát cho các hãng hàng không.
Một số chuyên gia lĩnh vực hàng không cho rằng, giá vé tết năm nay sẽ có áp lực cạnh tranh lớn, khi các hãng đều cần tiền, trong khi lượng máy bay năm nay cũng lớn, đang buộc các hãng đưa ra dải giá vé tốt ngay đợt 1 để hút khách bỏ tiền mua sớm.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng - Trưởng ban Kế toán Tài chính, Vietnam Airlines Group cho biết, doanh thu quý III của Vietnam Airlines Group chỉ tăng 4,5% và chi phí tăng 5,9% so với quý II do các hãng hàng không dư thừa máy bay, liên tục tăng chuyến khiến giá vé giảm. Vì vậy, 3 hãng bay lỗ hợp nhất 4.187 tỷ đồng và lỗ riêng lẻ của Vietnam Airlines là 3.626 tỷ đồng, tăng lỗ so với quý I và II.
Lỗ hợp nhất trước thuế 9 tháng là 10.750 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch lỗ năm 2020. Riêng Vietnam Airlines lỗ 8.737 tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch lỗ năm 2020.
"Năm nay, các hãng phải hy sinh lợi nhuận để điều chỉnh giá vé máy bay theo hướng "mềm" hơn nhằm kích cầu người dân đi lại. Nếu chuyến bay chở đầy khách thì hãng vẫn có lời, còn hơn bán vé giá cao nhưng vắng khách", ông Hiền cho hay.
Trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giảm giá vé trong đợt bán thứ 2. Vì vậy, nếu khách về quê cố định vào một vài ngày có thể đặt vé sớm để hưởng lợi.
Trước đó, một số hãng hàng không đã có kế hoạch sẽ tung ra đợt vé tết lần 2 trong tháng 10. Tuy nhiên, do lượng vé bán ra ở đợt 1 đang còn tồn nhiều nên các hãng tiếp tục thăm dò thị trường và cập nhật tình hình sửa chữa đường băng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để điều chỉnh việc mở bán tiếp theo.
Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, nhu cầu mua vé máy bay sẽ tăng vào những tháng cuối năm, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường cũng khiến người dân cân nhắc việc di chuyển trong dịp Tết. Cùng với đó, tình hình bão lũ đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, khả năng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong dịp tết năm nay sẽ ít hơn, khó đạt mức tăng trưởng như năm ngoái.