• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 6:22:30 SA - Mở cửa
HAP: Cơ sở nào để Hapaco tự tin 'lấn sân'?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 30/10/2020 9:03:07 SA
Tiền thân là một công ty giấy của Hải Phòng nhưng trong thời gian gần đây, Hapaco lại làm “nóng” thị trường tài chính bằng việc công bố triển khai loạt dự án lớn với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
 
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hapaco (mã: HAP) cho biết đã tạm ngừng thực hiện dự án sản xuất giấy từ bột đá. Theo Phó Chủ tịch Vũ Xuân Thuỷ, dự án này đã ngốn nhiều thời gian, chi phí đầu tư của công ty nhưng khó có khả năng sinh lời khi giá thành không cạnh tranh được với các loại giấy truyền thống.
 
Thau vào đó, HĐQT Hapaco đã thông qua chủ trương xây dựng, thực hiện 5 dự án đầu tư phát triển khác với tổng mức đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng trong thời gian tới.
 
Kỳ vọng lớn
 
Giữa tháng 10 vừa qua, HĐQT Hapaco đã thông qua nghị quyết mua thêm hơn 9,65 triệu cổ phần của CTCP Bệnh viện Quốc tế Green với mức giá 14.600 đồng/cp, tương đương tổng giá trị đạt 141 tỷ đồng.

 
Mang nhiều kỳ vọng trong tương lai nhưng "sức khoẻ" tài chính hiện nay của Hapaco lại đang có hạn.
 
Nếu giao dịch thành công, Hapaco sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Bệnh viện Green từ 33,65% lên 52%. Nguồn tiền để mua thêm cổ phần của Bệnh viện Green không được Hapaco công bố.
 
Dự án Bệnh viện Green chuyên về sản nhi được khởi công và xây dựng từ năm 2009 do Tập đoàn Hapaco làm chủ đầu tư. Bệnh viện có tổng diện tích sử dụng hơn 20.000m2, đón những bệnh nhân đầu tiên từ ngày 10/10/2014.
 
Ở giai đoạn 1, Bệnh viện Green được xây dựng với quy mô 206 giường bệnh. Tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng, theo đó tỷ suất đầu tư đạt mức 2,2 tỷ đồng/giường.
 
Bên cạnh Bệnh viện Green, Hapaco đang có kế hoạch đầu tư một dự án y tế khác là Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc Việt - Hàn. Đây cũng là dự án hợp tác giữa Hapaco và Yuil Trading Corporation (Hàn Quốc) - đối tác của công ty trong Dự án Bệnh viện Green. Dự án Bệnh viện Việt - Hàn có quy mô 800 giường bệnh, tổng vốn đầu tư lên tới 2.400 tỷ đồng.
 
Ngoài bệnh viện, Hapaco còn dự kiến đầu tư 150 tỷ đồng vào dự án dây chuyền sản xuất giấy tissue (công suất 17.000 tấn/năm), rót 85 tỷ đồng cùng đối tác nước ngoài xây dựng trung tâm thương mại quốc tế, triển khai toà nhà văn phòng cho thuê với tổng vốn đầu tư 164 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, Hapaco còn muốn nghiên cứu để đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp, khu đô thị với các dự án đều tập trung ở Hải Phòng.
 
Thực tế, thông tin về các dự án kể trên nhận được sự quan tâm và phản ứng khá mạnh của giới đầu tư, nhưng để có thể triển khai loạt dự án như kế hoạch, ngoài các thủ tục pháp lý phải thực hiện, thì nguồn vốn và dòng tiền là câu hỏi lớn. Vậy, Hapaco có gì?
 
Băn khoăn về "sức khỏe"
 
Dù Hapaco hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh giấy, bệnh viện, đầu tư tài chính…, nhưng quy mô doanh thu thuần 5 năm trở lại đây chỉ ở mức 375 - 476 tỷ đồng, lợi nhuận cao nhất ghi nhận trong 5 năm qua là 35,4 tỷ đồng vào năm 2015.
 
Theo báo cáo tài chính quý III/2020, Hapaco đạt doanh thu thuần hợp nhất hơn 83,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần lũy kế 9 tháng là 241,4 tỷ đồng, cũng giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Đáng chú ý, quý III và 9 tháng đầu năm, công ty mẹ gần như trong tình trạng “ngủ đông” do hoàn toàn không có doanh thu bán hàng và dịch vụ.
 
Tuy nhiên, công ty vẫn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế quý III đạt gần 4,7 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ công mẹ với gần 3,1 tỷ đồng, tăng gần 650% so với quý III/2019.
 
Lý do chính tạo ra lợi nhuận cao cho công ty mẹ trong khi không có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là khoản doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ lên đến gần 4 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ là 593 triệu đồng). Đây là khoản hoàn nhập dự phòng đối với công ty thành viên năm trước bị lỗ và có thu lợi nhuận từ các công ty liên kết.
 
Đối với kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán, tuy là một trong 3 mã cổ phiếu niêm yết đầu tiên cùng với REESAM nhưng HAP lại giao dịch khá mờ nhạt trong 20 năm qua.
 
Thế nhưng, trong tháng 8/2020, cổ phiếu HAP đã gây xôn xao thị trường khi tăng trần 16 phiên liên tiếp. Chỉ tính riêng trong tháng 8, thị giá HAP đã tăng tới 225% từ 3.000 đồng/cp lên 9.420 đồng/cp, là mức giá cao nhất của HAP trong gần 12 năm qua (kể từ năm 2009).
 
Không chỉ vậy, thanh khoản dồi dào trở lại với khối lượng giao dịch bình quân lên tới gần 1,3 triệu đơn vị, cá biệt có phiên khớp lệnh tới 6 triệu đơn vị, cao nhất kể từ khi niêm yết.
 
Tuy nhiên, đến nay, cổ phiếu HAP đã điều chỉnh về vùng giá trên 5.000 đồng/cp, thanh khoản cũng sụt giảm về mức trung bình 500.000 đơn vị mỗi phiên.
 
Theo một số chuyên gia, nhìn chung, các dự án có thể mang lại cái nhìn tích cực từ phía các nhà đầu tư cho Hapaco trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại là năm 2018, HĐQT Hapaco cũng công bố kế hoạch đầu tư 3 dự án phát triển đến năm 2020, nhưng đến nay vẫn "bất động".