Theo lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, dịch bệnh COVID-19 giai đoạn vừa qua đã khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ ngân hàng.
Phía ngân hàng đã tính toán các phương án để xử lý nợ xấu. (Ảnh: Vietnam+)
Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 30/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sau hơn 3 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu (15/8/2017 đến 30/9/2020) đã có 312.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý.
Tuy vậy, theo bà Hồng, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng có nợ xấu tăng lên.
Nguyên nhân là do dịch COVID-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế, hoạt động ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng vì là trung tâm tài chính của nền kinh tế. Khi doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cho rằng có thể nợ xấu xuất phát từ nguyên nhân kỹ thuật. Cụ thể, dư nợ tín dụng trong bối cảnh năm 2020 không tăng cao như các năm trước, nên trong phép tính nợ xấu trên tổng dư nợ có thể khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động vào cuộc chỉ đạo các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
“Nếu thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ tác động đến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng,” Phó Thống đốc thông tin thêm, đồng thời cho biết phía Ngân hàng đã có đánh giá, phân tích để ứng phó với tình hình này nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống./.