Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ cho đến nay vẫn rất xán lạn. Tuy nhiên, hành trình phía trước cho việc gia tăng xuất khẩu vào thị trường chủ lực này vẫn còn đó những cơ hội đan xen thách thức, nhất là những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng ở Mỹ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ đạt 35,3 tỷ USD. Và Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch XK dệt may.
Nỗ lực của dệt may và đồ gỗ
Chia sẻ tại Diễn đàn thương mại Việt - Mỹ tổ chức ở Tp.HCM ngày 18/11, ông Giang cho rằng Mỹ vẫn luôn là thị trường có tính chiến lược của ngành dệt may Việt.
Xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng rộng cửa.
Cập nhật về xu hướng tiêu dùng mới ở thị trường tiêu thụ hàng may mặc Mỹ thời kỳ hậu Covid-19, ông Giang có chia sẻ rằng các sản phẩm mặc ở nhà đang có xu hướng gia tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm veston lại có chiều hướng giảm. Doanh nghiệp (DN) Việt cần thích ứng với xu hướng này.
Chủ tịch Vitas cũng bày tỏ sự thích thú về thông điệp của Diễn đàn lần này chính là “hành trình phía trước” và hy vọng rằng thời gian tới, sau khi có kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với việc quay lại thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra động lực cho XK dệt may của Việt Nam.
Đánh giá cao về những nỗ lực của các nhà XK dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), kể lại rằng khi dịch Covid-19 tác động ở giai đoạn đầu thì "bức tranh" của ngành dệt may Việt khá u ám.
Nhưng cho đến nay, theo ông Dương, sau khi kiểm tra lại các số liệu thống kê, tất nhiên là không thể nào như thời điểm không có dịch bệnh, nhưng cho thấy những con số khả quan của ngành dệt may, nhất là với kim ngạch XK vào Mỹ. Đây là một điển hình của một ngành hàng chủ lực ở Việt Nam trong ứng xử kinh doanh và trong cách đương đầu với các thách thức.
Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa), đến thời điểm hiện tại kim ngạch XK đồ gỗ sang thị trường Mỹ chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam. Tăng trưởng XK đồ gỗ Việt những năm gần đây khá ấn tượng với tốc độ tăng tối thiểu là 30%, và thị trường Mỹ đóng góp rất lớn vào sức tăng này.
Ngoài dệt may, đồ gỗ thì những mặt hàng chủ lực XK vào Mỹ đang thu về hàng tỷ USD như nhóm hàng điện thoại các loại, linh kiện điện tử, máy vi tính, giày dép, nông lâm thuỷ sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Theo báo cáo 10 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Theo sát xu hướng tiêu dùng mới
Đây được cho là nỗ lực rất lớn từ các nhà XK ở Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng tiêu dùng. Cần nhắc lại, hồi năm ngoái kim ngạch XK của Việt Nam sang Mỹ mới chỉ đạt 61,3 tỷ USD, có nghĩa là kim ngạch XK trong 10 tháng năm 2020 đã vượt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phấn khởi chia sẻ, Mỹ đang là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Mỹ.
“Thành công này một phần đến từ việc hai bên tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hoá và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết trong quý III vừa qua, nền kinh tế của Mỹ đã khôi phục trở lại sau những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
Đáng chú ý, thu nhập của người dân Mỹ đang tăng dần lên trong những tháng gần đây và mức độ chi tiêu của cũng vậy. Đó chính là điểm tích cực để hàng hoá Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu thị trường Mỹ đang trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19.
Dựa trên những phân tích của các tổ chức nghiên cứu kinh tế về phục hồi nền kinh tế Mỹ sau đại dịch, ông Sơn cho biết trong năm 2021, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất thế giới với nhu cầu hết sức đa dạng, nhưng yêu cầu cạnh tranh cũng sẽ cực kỳ gay gắt.
Vị Tham tán cũng lưu ý về vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá đối với các DN XK của Việt Nam. Để gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ, DN nên để ý nhiều đến những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng nước này hậu Covid-19.
“Và thị trường Mỹ dù cho phục hồi thì việc mở cửa thị trường vẫn thực hiện từng bước, đặc biệt là trong các chính sách phòng vệ thương mại. Hoặc như các cạnh tranh về giá, thanh toán, bao bì, vận chuyển... Điều này đòi hỏi các DN Việt cần theo dõi sát sao”, ông Sơn nói.
Trong thời gian tới, trước bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen ở thị trường Mỹ đối với XK của Việt Nam, với hành trình phía trước, giới chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục có các giải pháp và định hướng để DN Việt có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược XK vào thị trường này một cách bài bản, hiệu quả hơn nữa.