Đường đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu doanh thu quý I, chiếm 98% tỷ trọng.
Doanh thu quý I đạt 3.565 tỷ đồng còn lợi nhuận là 104 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 192% cùng kỳ.
TTC Sugar chú trọng phát triển dòng sản phẩm đường organic, định hướng trở thành dòng sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tương lai.
Doanh thu quý I tăng 15%, đạt 3.656 tỷ đồng
Quý 1 niên độ (NĐ) 2020 - 2021, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar – HoSE:
SBT) đã tiêu thụ gần 312.000 tấn đường, tăng 42% so với cùng kỳ, ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.656 tỷ đồng, tăng 15%, thực hiện 25% kế hoạch năm. Lợi nhuận gộp đạt 465 tỷ đồng, tăng 184% và lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng, tăng 192% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý I, đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu khi các dòng sản phẩm đường ghi nhận 3.574 tỷ đồng, chiếm gần 98%, tăng 19% so với cùng kỳ. TTC Sugar hiện là công ty sở hữu nhiều và đa dạng nhất các dòng sản phẩm đường tại Việt Nam với hơn 72 sản phẩm gồm 6 dòng đường organic, 8 dòng đường vàng, 6 dòng đường phèn, 4 dòng thực phẩm chức năng và 3 dòng đường lỏng, 19 dòng đường RE, 17 dòng đường RS, đáp ứng nhu cầu từ các kênh trọng điểm khách hàng doanh nghiệp B2B, khách hàng tiêu dùng B2C, xuất khẩu và thương mại.
Với chiến lược dài hạn là đa dạng hóa chuỗi giá trị cây mía, giảm thiểu rủi ro nguồn thu khi giá đường thế giới có biến động, công ty đang khai thác 9 dòng sản phẩm cạnh đường - sau đường bao gồm nước uống tinh khiết chiết xuất từ hương mía Miaqua, bã mía, điện thương phẩm, mật rỉ, nước màu và phân vi sinh,… Nổi bật trong 3 tháng đầu năm, doanh thu phân bón tăng 181% và điện thương phẩm tăng 50% so với cùng kỳ.
Nguồn: TTC Sugar
Biên lợi nhuận gộp mảng đường quý I cũng là điểm sáng khi đã có những cải thiện đáng kể lên mức 13%, do toàn bộ sản lượng đường tồn kho với giá vốn cao đã tiêu thụ hết, cũng như sản lượng đường mới đã được công ty kiểm soát tốt chi phí đầu vào.
Hàng tồn kho giảm 10%
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản đạt 18.403 tỷ đồng, tăng 2,5% so với thời điểm đầu niên độ, trong đó chủ yếu đến từ việc tăng các khoản thuộc đầu tư ngắn hạn (kinh doanh chứng khoán) và đầu tư dài hạn (đầu tư vào công ty con, công ty liên kết)... Trên thực tế, ngoài mảng kinh doanh chính là mía đường, TTC Sugar cũng đã thực hiện tái cơ cấu danh mục, qua đó đầu tư vào các đơn vị, ngành nghề tiềm năng và phù hợp với chiến lược phát triển của công ty.
Trong quý này, hàng tồn kho giảm 10% tương đương 250 tỷ đồng và đang duy trì ở mức 2.279 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ vay/tổng tài sản không thay đổi nhiều so với đầu niên độ, đạt lần lượt 1,12 lần và 0,47 lần. Ngoài ra, hệ số thanh toán hiện hành tăng 2% so với đầu niên độ, đạt 1,2 lần và hệ số thanh toán nhanh tăng 6%, đạt 0,9 lần.
Gia tăng xuất khẩu các mặt hàng đường organic, tập trung phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới
Trong quý I NĐ 2020-2021, doanh thu kênh xuất khẩu của TTC Sugar tăng so với cùng kỳ nhờ gia tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng đường cao cấp, có giá trị gia tăng cao, đồng thời phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới, nâng tổng số thị trường lên 24 quốc gia. Đặc biệt, công ty đang chú trọng phát triển dòng sản phẩm đường organic, định hướng trở thành dòng sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tương lai, hiện đã được xuất khẩu đi 17 nước châu Âu và vươn ra các thị trường lớn khác như Mỹ - quốc gia tiêu thụ đường organic lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ trung bình 250.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là những thị trường khó tính mà công ty muốn chinh phục.
Vùng nguyên liệu mía organic của TTC Sugar tại tỉnh Attapeu, CHDCND Lào. Ảnh: SBT
SBT đang sở hữu vùng nguyên liệu gần 64.000 ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Mục tiêu của công ty là tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ tại Lào và Campuchia, riêng vùng nguyên liệu tại TTC Attapeu, Lào tiếp tục được đầu tư mở rộng để phát triển diện tích trồng mía hữu cơ và sản xuất đường organic với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Dự kiến tổng sản lượng đường organic từ diện tích trồng ở đây trong NĐ 2020 - 2021 có thể lên đến 42,000 tấn, gấp hơn 3 lần so với NĐ trước. Dự tính từ NĐ 2024 - 2025 trở đi, hơn 10.000 ha diện tích thu hoạch của TTC Attapeu hoàn toàn là mía hữu cơ với tổng sản lượng khoảng 800.000 tấn mía hữu cơ và hơn 100.000 tấn đường organic, tăng hơn 766% sản lượng đường organic so với NĐ 2019 - 2020.