UBCKNN muốn cải thiện chất lượng quản trị công ty đại chúng, nhưng một số quy định chưa nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp.
Đề xuất công khai thù lao, lương của lãnh đạo công ty
Theo Kết quả đánh giá quản trị công ty theo các chuẩn mực của ASEAN năm 2019 của Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), điểm số quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam là 54,2/130 điểm (41,7%), thấp nhất trong ASEAN.
Tại nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của không ít doanh nghiệp, một chủ đề được các cổ đông chất vấn ban lãnh đạo là thù lao, thu nhập của các chức danh quản lý. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cổ đông cũng nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía lãnh đạo công ty. Nguyên nhân là hiện chưa có quy định pháp lý ràng buộc nghĩa vụ doanh nghiệp phải minh bạch thông tin này.
Để khắc phục tình trạng trên, nhà quản lý muốn luật hóa nghĩa vụ minh bạch thông tin về thu nhập của các chức danh lãnh đạo tại doanh nghiệp tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất thù lao của từng thành viên HĐQT và tiền lương của giám đốc (tổng giám đốc) và người quản lý khác phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên.
Tuy nhiên, Vingroup (HoSE:
VIC) đề xuất, trên báo cáo tài chính chỉ trình bày tổng chi phí cho giám đốc (tổng giám đốc) và HĐQT, đảm bảo tính bảo mật thông tin, không nên trình bày cho từng thành viên.
Ủng hộ ý kiến trên, Techcombank (HoSE:
TCB) đề xuất bỏ nội dung vì chỉ cần báo cáo tổng mức thù lao theo luật. Ngân hàng này cho rằng, quy định như dự thảo là vượt qua quy định của luật và không cần thiết.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định nội dung tại dự thảo tương thích với khoản 3, Điều 163 Luật Doanh nghiệp 2020, với quy định: “Thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên”.
Ảnh minh họa.
Thành viên HĐQT độc lập phải có báo cáo riêng
Một điểm mới nữa trong lần sửa đổi nghị định về quản trị công ty lần này là UBCKNN gia tăng trách nhiệm của các nhân sự trong HĐQT. Tuy nhiên, một số đề xuất cải cách của cơ quan quản lý cũng chưa nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp.
Cụ thể, liên quan đến đề xuất thành viên HĐQT phải tham dự họp đại hội đồng cổ đông thường niên để trả lời các câu hỏi của cổ đông tại cuộc họp (nếu có), Techcombank đề xuất bỏ nội dung này vì không cần thiết và có thể gây khó hiểu. Nội dung tại dự thảo được hiểu là tất cả thành viên HĐQT đều phải tham dự đại hội. Trong trường hợp không tham dự, thành viên HĐQT sẽ chịu chế tài như thế nào. Theo Techcombank, thành viên HĐQT dự họp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tập thể, cá nhân với ĐHĐCĐ chứ không phải mục đích chính là trả lời câu hỏi cổ đông.
Ý kiến từ Vingroup cho rằng, dự thảo cần bổ sung quy định về HĐQT có thể cử đại diện tham gia họp (không bắt buộc phải 100% thành viên tham gia), hoặc trường hợp có thành viên nghỉ vì lý do khách quan có thể ủy quyền cho thành viên khác dự họp, để phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Phản hồi ý kiến trên của doanh nghiệp, UBCKNN khẳng định đây là quy định liên quan đến trách nhiệm của thành viên HĐQT nên không quy định về việc có thể ủy quyền. Tuy nhiên, UBCKNN tiếp thu một phần kiến nghị của doanh nghiệp khi bổ sung vào dự thảo trường hợp bất khả kháng không tham dự được, thành viên phải báo cáo bằng văn bản với HĐQT.
Cũng liên quan đến tăng trách nhiệm của thành viên HĐQT, dự thảo nghị định đặt ra yêu cầu thành viên độc lập của công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải lập báo cáo đánh giá về hoạt động của HĐQT. Tuy nhiên, Tổng công ty Dược Việt Nam đề xuất bỏ quy định này vì HĐQT đã có báo cáo chung trình tại ĐHĐCĐ. Nếu mỗi thành viên HĐQT độc lập phải có báo cáo riêng là quá rườm rà, không cần thiết.
“Bác” đề xuất trên, UBCKNN khẳng định vẫn giữ nguyên quy định như dự thảo, vì báo cáo đánh giá của thành viên độc lập HĐQT mang tính khách quan, độc lập với các thành viên HĐQT khác.
Theo kế hoạch, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, bộ, ngành, dự thảo nghị định về quản trị công ty sẽ được Bộ Tài chính trình Chỉnh phủ xem xét ban hành trong năm nay, để áp dụng vào đầu năm 2021.