Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 ước đạt 1,1 tỷ USD, lũy kế 11 tháng năm 2020 đạt 10,88 tỷ USD, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 (chiếm 77,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ). Trong 10 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ tăng tới 1,36 tỷ USD; sang Trung Quốc tăng 32,3 triệu USD, Canada tăng 24,9 triệu USD, Thái Lan tăng 6,6 triệu USD.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2020 tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019 (Ảnh minh họa: Int)
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành gỗ Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng trong 11 tháng năm 2020. Đặc biệt là giữ vững được các thị trường truyền thống là Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy phát triển một số thị trường tiềm năng như Canada và Thái Lan.
Về nhu cầu thị trường tháng cuối năm 2020, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, các thị trường Mỹ, EU có những tín hiệu khả quan cho ngành gỗ của Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh trở lại trong quý III, tiêu dùng tăng 41%, đầu tư tăng 20%, nhu cầu đồ gỗ gia dụng tiếp tục cao. Đồng thời, GDP của các nước trong khối EU dự báo tăng trưởng trở lại, bên cạnh đó lực mua cũng tăng do tỷ giá đồng Euro trên thị trường quốc tế tăng. Ngoài ra với nhiều dịp lễ hội cuối năm, nên nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến cũng sẽ có xu hướng tăng.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng Cảng quốc tế đường bộ Quảng Châu - là cảng đón các chuyến tàu chở gỗ nguyên liệu từ châu Phi về. Kênh vận chuyển mới này được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Trung Quốc, phần nào sẽ ảnh hưởng đến ngành gỗ của Việt Nam khi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường quốc tế về đồ gỗ nội, ngoại thất.