Mức P/E 16.x ở thời điểm hiện tại được ông Đào Phúc Tường cho rằng chưa phải là đắt nhưng cũng không còn rẻ. MBS dự báo trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể dao động trong khoảng 995-1.230 điểm trong năm 2021.
Chiều 17/12, tại MBS Talk 20 với chủ đề "Cơ hội Vàng thời chứng khoán" trong đó, báo cáo của MBS chỉ ra rằng xu thế tăng dài hạn theo năm trong chu kỳ 20 năm vừa qua. Chỉ số trải qua những giai đoạn khủng hoảng, suy thoái lớn và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. Hiện, VN-Index lấy lại được những gì đã mất và trở lại xu thế tăng.
Triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán năm 2021 đến từ kỳ vọng nâng hạng lên emerging market (thị trường mới nổi). Việt Nam đã đạt đủ điều kiện về quy mô và thanh khoản. Rào cản chính là các ràng buộc về sở hữu nước ngoài (FOLs) và hệ thống vận hành thị trường. Do đó, báo cáo của MBS kỳ vọng FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ đánh giá thường niên tháng 9/2021 và chính thức từ tháng 3/2022. Bên cạnh đó, MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ kỳ đánh giá tháng 6/2022.
Báo cáo cũng cho thấy Việt Nam là một trong số các thị trường có mức hồi phục nhanh dưới tác động của đại dịch Covid-19. Hệ số P/E (forward) hiện đang ở mức 16,5 lần, thấp hơn so với các nước ASEAN 6 và bình quân các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ROE hiện tại của Việt Nam đang cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của khu vực emerging market.
Ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment đánh giá P/E 16.x lần cao hay thấp dựa trên các năm tới các doanh nghiệp sẽ phục hồi, chỉ số không thay đổi thì P/E giảm xuống. Bên cạnh đó, mức P/E này ứng với nền lãi suất cao nhưng với mức nền lãi suất hiện tại, so sánh tương quan sẽ là không còn cao và là mức chấp nhận được khi doanh nghiệp tăng trưởng trở lại.
Theo quan điểm của ông Đào Phúc Tường – Chuyên gia kinh tế, P/E cao hay thấp phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là lãi suất thấp, thứ 2 là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và cuối cùng là tính bền vững trong tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Với mức P/E 16.x ở thời điểm hiện tại, ông Tường cho rằng chưa phải là đắt nhưng cũng không còn rẻ.
Kết quả khảo sát nhà đầu tư dự đoán mức điểm của VN-Index cuối năm 2021.
VN-Index đạt bao nhiêu điểm trong năm 2021?
Theo dự báo được MBS đưa ra, tăng trưởng EPS năm 2021 so với 2020 bình quân ở mức 16,7% và trên cơ sở đó, kịch bản cơ sở của VN-Index năm 2021 sẽ dao động trong khoảng 965 – 1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân khoảng 14.94 lần).
Trong khi đó, với kịch bản lạc quan, tăng trưởng EPS năm 2021 dự báo có thể đạt 19,4% và VN-Index có thể dao động trong khoảng 995-1.230 điểm.
Chuyên gia Đào Phúc Tường nhận định cuối năm 2021, VN-Index sẽ ở mức tăng 10% so với cuối 2020. Ông Lã Giang Trung cho rằng VN-Index không tăng quá nhiều và xung quanh 1.100 điểm.
Theo phân tích kỹ thuật, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc nghiên cứu MBS cho biết theo lý thuyết sóng Eliot, VN-Index đang ở bước sóng 3 và thị trường bước vào trendline tăng theo năm. Trong sóng 3 lớn, VN-Index hiện ở sóng 5 nhỏ và sẽ dao động trong khoảng từ 1.100 – 1.135 điểm.
Sau phiên giảm mạnh ngày 17/12, VN-Index đang xoay quanh ngưỡng Fibonacci 1.064. Chạm ngưỡng này, VN-Index đang có xu hướng dao động và ông Sơn cho rằng đây chưa phải là thời điểm thị trường tạo đỉnh và đi xuống do dòng tiền đang vào mạnh. Trong ngắn hạn, thị trường chưa thể bẻ gẫy xu hướng. Giai đoạn tích lũy quanh vùng Fibonacci sẽ tiếp diễn, giúp thị trường ổn định cung cầu, đi lên như kỳ vọng 1.100 – 1.135 điểm và kết thúc sóng 5 nhỏ. Sau đó, thị trường sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh của sóng 4 lớn và đi zic zắc theo nhiều nhịp trong 1,5 – 2 tháng để điều chỉnh. Sau khi hết sóng điều chỉnh 4, thị trường sẽ bước vào sóng 5 lớn và kéo dài từ 2021-2022.