IDS Equity Holdings cho rằng đã nắm 51% vốn OGC, lãnh đạo Ocean Group bác bỏ việc công ty ngoại đã tiếp quản điều hành.
Trước Ocean Group, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông cũng từng diễn ra tại Coteccons, GTNfoods hay Vinaconex
Tờ Dealstreet Asia đưa tin IDS Equity Holdings nắm 51% vốn Ocean Group (HoSE:
OGC) và 22% cổ phần tại Ocean Hospitality (HNX:
OCH) và dự kiến sẽ tiếp quản điều hành 2 doanh nghiệp. Tổ chức này được cho là chi khoảng 50 triệu USD và 20 triệu USD để nắm cổ phần 2 doanh nghiệp trên.
Tuy nhiên, trong họp báo mới đây, Chủ tịch Ocean Group ông Mai Hữu Đạt khẳng định doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư, hỗ trợ nào từ IDS Equity Holdings. Các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát công ty vẫn đang hoạt động bình thường, do đó thông tin IDS Equity tiếp quản điều hành là không đúng sự thật.
Lãnh đạo
OGC cũng nói rằng đã nhận được thư đề nghị gặp mặt của IDS Equity Holdings. Dù không có tên trong danh sách cổ đông, tổ chức này vẫn được ủy quyền của nhóm cổ đông với khoảng 51% cổ phần với ngày chốt danh sách rải rác trong khoảng tháng 10-11.
Trong thư đề nghị, IDS Equity Holdings đề cập 2 vấn đề. Thứ nhất là không đồng ý chủ trương HĐQT Ocean Group bán 20 triệu cổ phiếu
OCH. Thứ hai là muốn gặp mặt để bàn về định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Ocean Group cho biết việc bán cổ phần tại Ocean Hospitality là quyết định nhằm giải quyết vấn đề vốn trong bối cảnh tập đoàn còn nhiều công nợ tồn đọng. Tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn đang bị mất cân đối và luôn có thể bị chủ nợ kiện. Do đó HĐQT đưa ra kế hoạch bán vốn tại Ocean Hospitality như giải pháp sau cùng.
Về vấn đề thứ hai, ban lãnh đạo Ocean Group cho biết sẵn sàng gặp và trao đổi ý kiến khi xác định được IDS Equity Holdings là cổ đông, hoặc đại diện người ủy quyền.
Giá cổ phiếu OGC tăng mạnh từ đầu tháng 8, cùng nhiều phiên thanh khoản cao đột biến. Đồ thị: Tradingview.
Đây không phải lần đầu tổ chức thâu tóm chưa đạt được tiếng nói đồng thuận với ban lãnh đạo công ty. Trước đó nhiều vụ việc khác cũng diễn ra tương tự tại các doanh nghiệp niêm yết khác như GTNfoods, Coteccons hay Vinaconex.
Đầu năm 2019, Vinamilk lộ ý định muốn thâu tóm GTNfoods (HoSE:
CTD) để có thể chi phối thương hiệu sữa Mộc Châu. Tuy nhiên đề xuất chào mua công khai của Vinamilk liên tục bị từ chối bởi nhóm cổ đông cũ mà đứng đầu là cựu Chủ tịch HĐQT Tạ Văn Quyền.
Sau 9 tháng bị từ chối, Vinamilk cũng đã thương lượng thành công để mua gom từ các nhóm cổ đông lên đến 75% vốn ngay cuối năm 2019. Sau đó, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên chính thức được bầu làm Chủ tịch GTNfoods, bắt đầu giai đoạn tái cấu trúc công ty thành viên này.
Hưởng lợi từ tăng trưởng của Mộc Châu Milk, lãi ròng 9 tháng GTNfoods gấp 10 lần cùng kỳ đạt 73 tỷ đồng. Giá cổ phiếu
GTN từ khi có thông tin thâu tóm đến nay cũng đã tăng mạnh lên vùng giá 23.600 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu GTN từ khi Vinamilk bắt đầu thâu tóm. Đồ thị: Tradingview.
Một cuộc thâu tóm không “êm đềm” khác xảy ra tại Coteccons (HoSE:
CTD). Nhóm Kusto Group bắt đầu rót vốn vào
CTD khoảng năm 2012. Tuy nhiên, những căng thẳng với cổ đông lớn Kusto liên tục nổ ra từ các cuộc họp cổ đông thường niên năm 2018-2019, đỉnh điểm là cuộc họp năm 2020. Nhóm cổ đông ngoại nhiều lần đưa ra các cáo buộc về vi phạm quản trị doanh nghiệp và xung đột lợi ích tại Coteccons với các công ty liên quan. Trong khi đó, lãnh đạo Coteccons bấy giờ phản bác các cáo buộc, đồng thời đặt nghi vấn các cổ đông ngoại cấu kết với nhau để thâu tóm công ty. Cuộc chiến cổ đông này ngã ngũ với quyền điều hành thuộc về Kusto Group.
Trong cuộc xung đột này, hầu hết các lãnh đạo cũ dưới thời nhà sáng lập, cựu chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương đã lần lượt ra đi. Trong khi đó, bộ máy mới của Coteccons đang dần hoàn thiện với chủ HĐQT Bolat Duisenov, cố vấn ban điều hành David Evans (cựu CEO tập đoàn Al Naboodah)…
Trước những xung đột cổ đông, hoạt động kinh doanh Coteccons liên tục đi xuống từ mức lãi kỷ lục 1.653 tỷ đồng năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm, cộng hưởng từ khó khăn bởi dịch Covid-19, lợi nhuận công ty giảm 23% còn 369 tỷ đồng. Giá cổ phiếu theo đó cũng lao dốc về 63.800 đồng/cp như hiện nay.
Giá cổ phiếu CTD lao dốc khi những mâu thuẫn nổ ra từ 2018. Đồ thị: Tradingview.
Mặc dù có nhiều nhen nhóm nảy sinh giữa nhóm cổ đông ngoại mà đại diện là Kusto Group với ban lãnh đạo Coteccons từ những lần họp ĐHĐCĐ 2018 – 2019 nhưng mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm vào năm nay. Ngay trước thềm Đại hội, nhóm cổ đông ngoại này nhiều lần đưa ra các cáo buộc về xung đột lợi ích của Coteccons với các công ty liên quan, trong đó có Ricons.
Nhóm cổ đông ngoại yêu cầu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công từ chức Đại diện của Kusto Việt Nam và Th8th được bầu thay thế.
Một diễn biến căng thẳng khác về quyền cổ đông cũng từng diễn ra tại Vinaconex (HNX:
VCG). Cuối năm 2018, công ty An Quý Hưng mua trọn lô 57,7% cổ phần
VCG từ tay SCIC; trong khi đó Bất động sản Cường Vũ mua 21,28% cổ phần
VCG từ Viettel và Đầu tư Star Invest nhận 7,57% cổ phần
VCG từ PYN Elite Fund.
Sự khác biệt về chiến lược của An Quý Hưng với 2 cổ đông lớn còn lại là nguyên nhân gây ra nhiều tranh cãi. Nhóm Cường Vũ và Star Invest từng đệ đơn lên tòa về kết quả họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 khiến HĐQT Vinaconex phải tạm dừng hoạt động. Những vấn đề về tính minh bạch trong quản trị công ty và quyền lợi cổ đông lớn từng gây tranh cãi tại phiên họp cổ đông bất thường sau đó…
Tuy nhiên, những mâu thuẫn này đã được chấm dứt khi HĐQT Vinaconex đồng ý bán lại 50% cổ phần trong liên doanh An Khánh JVC cho đối tác vào tháng 9 qua. Sau quyết định này, nhóm Cường Vũ và Star Invest chính thức thoái toàn bộ phần vốn tại Vinaconex, nhóm An Quý Hưng nắm quyền chi phối.
Việc chấm dứt mâu thuần giữa 2 nhóm cổ đông tạo đà cho cổ phiếu
VCG tăng mạnh hiện đạt 41.900 đồng/cp. HĐQT Vinaconex cũng dễ dàng đưa ra các quyết định về thoái vốn nhiều khoản đầu tư để tập trung cho dự án trọng điểm Khu đô thị du lịch Cái Giá.
Giá cổ phiếu VCG từ khi thay đổi cơ cấu cổ đông cuối 2018 đến nay. Đồ thị: tradingview.