BSC nghiêng về kịch bản VN-Index có sự điều chỉnh và tạo nền giá quanh khu vực 970 điểm nếu thị trường thế giới chuyển sang xu hướng giảm ngắn hạn và trạng thái rút ròng của khối ngoại trở nên tiêu cực hơn.
Báo cáo "Vĩ mô và thị trường tháng 12" của Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, VN-Index tăng 8,39% còn HNX-Index tăng 9,13% trong tháng 11. P/E cuối tháng 11 ở mức 16,3, tăng mạnh so với mức 15,1 ở tháng 10, cao hơn 2,5% so với P/E bình quân 5 năm (15,9 lần) nhưng vẫn thấp với khu vực châu Á. BSC dự báo P/E VN-Index dự báo giảm về mức 16 trong tháng 12.
Hầu hết P/E các ngành đều tăng so đầu năm. Một số ngành có tốc độ tăng giá chậm hơn mức độ cải thiện lợi nhuận gồm viễn thông, tài chính, ngân hàng. Những ngành còn lại đang có vận động giá vượt mức độ cải thiện lợi nhuận. Các nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường gồm ngân hàng, công nghệ thông tin, dược và y tế, tiện ích cộng đồng. Đa số các ngành có P/B giảm so đầu năm ngoại trừ nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, viễn thông và công nghệ thông tin.
Nguồn: BSC Research
BSC đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 12. Kịch bản 1 là VN-Index giữ được vị thế chủ yếu ở trên ngưỡng 1.000 điểm và hướng tới chinh phục ngưỡng 1.050. Các thị trường thế giới tiếp tục đi lên nhờ ảnh hưởng tích cực từ các thông tin thử nghiệm vaccine tại nhiều quốc gia. Xác suất xảy ra kịch bản này là không cao.
Kịch bản 2 là VN-Index có sự điều chỉnh và tạo nền giá quanh khu vực 970 điểm nếu thị trường thế giới chuyển sang xu hướng giảm ngắn hạn và trạng thái rút ròng của khối ngoại trở nên tiêu cực hơn. Kịch bản này được BSC đánh giá có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Với kịch bản VN-Index đạt 970 điểm vào cuối tháng 12, dự báo vốn hóa giảm 3% và thanh khoản duy trì ổn định.
Các thông tin ảnh hưởng đến thị trường tháng 12
Theo BSC, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng sẽ là yếu tố tích cực đến thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, chỉ số định giá vẫn ở mức hợp lý so quá khứ và so với khu vực sẽ giúp thị tường ổn định và xác lập vùng giá hợp lý. Các thử nghiệm vaccine vẫn đang được tiến hành tại nhiều nơi trên thế giới cũng là yếu tố ảnh hưởng tích cực. Bên cạnh đó, các ETF công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục sẽ giúp tăng thanh khoản. Tâm lý nhà đầu tư quốc tế ổn định và giảm thiểu trú ẩn vào các kim loại quý như vàng, bạc cũng sẽ gia tăng dòng tiền do thị trường chứng khoán.
Chiều ngược lại, nguy cơ suy thoái cao ở các nước và khu vực chủ chốt thế giới sẽ có ảnh hưởng tiêu cực trung hạn.