Đề xuất cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 35% cổ phần của DN kinh doanh xăng dầu trong nước đang gây tranh cãi với hai luồng ý kiến. Một số ý kiến đồng tình vì cho rằng như vậy sẽ giúp thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn song cũng có lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính hoàn toàn có thể thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát lại toàn bộ nội dung của Dự thảo sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP, đặc biệt về vấn đề mà nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 35% cổ phần của doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trong nước.
Khối nội liệu có bị 'nuốt chửng'?
Liên quan tới việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý cho dự thảo Nghị định này.
Có nên cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 35% cổ phần với DN kinh doanh xăng dầu trong nước.
Dẫn các quy định và cam kết quốc tế, ông An cho biết, Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường kinh doanh xăng dầu. Theo quy định của pháp luật trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối xăng dầu nói chung.
Các cam kết và quy định pháp luật này nhằm bảo đảm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước không bị chi phối bởi DN nước ngoài, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế.
"Việc Dự thảo Nghị định đưa ra nội dung mở cửa cho phép DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam là không phù hợp với cam kết quốc tế, Nghị quyết số 71/2006/NĐ-QH11, Luật Đầu tư, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế", ông An dẫn chứng.
Do vậy, ông An cho rằng khi nhà đầu tư nước ngoài được cho phép sở hữu cổ phần của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước với mức không quá 35% như Dự thảo Nghị định đưa ra thì nhà đầu tư nước ngoài đó cũng hoàn toàn có thể liên kết với cổ đông khác để tạo thành một nhóm cổ đông sở hữu lượng cổ phần lớn hơn 35%, có quyền phủ quyết trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị. Qua đó có khả năng can thiệp sâu vào việc điều hành hoạt động kinh doanh của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước.
"Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính hoàn toàn có thể thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng quốc gia, an ninh kinh tế của đất nước. Đặc biệt, đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu nằm tại khu vực biên giới còn ảnh hưởng lớn tới công tác an ninh quốc phòng", ông An cảnh báo.
Hơn nữa, khi nhà đầu tư nước ngoài có khả năng can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước, Chính phủ, cơ quan điều hành sẽ gặp phải khó khăn trong trường hợp điều hành giá xăng dầu khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị âm.
Cùng với đó, Bộ Công an cũng đặt ra lo ngại về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần không quá 35%. Khi nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 35% cổ phần chỉ cần "đi đêm, núp bóng" cổ đông khác mua thêm tối thiểu 16% cổ phần nữa là được quyền điều hành DN.
Không mở thì khó có thị trường cạnh tranh
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến lại bày tỏ quan điểm đồng tình với việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh xăng dầu. Nói với Thời báo Kinh Doanh, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, giờ các DN kinh doanh đa ngành, bên cạnh xăng dầu, có DN đã chuyển sang làm nông nghiệp sạch, bất động sản, du lịch... Vì vậy, DN được bán 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng không sợ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.
Mặt khác, DN nước ngoài tham gia vào sẽ giúp DN Việt Nam có thêm nguồn lực tài chính thực hiện tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, giúp quản trị DN được tốt hơn.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đây là thời điểm Việt Nam đang cần thiết xây dựng thị trường xăng dầu tự do. Chúng ta muốn có thị trường đúng nghĩa thì cần tạo môi trường để các DN cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Không có cách nào tốt hơn là cho phép các DN nước ngoài sở hữu một lượng nhất định cổ phần, cổ phiếu để tham gia vào kinh doanh trên thị trường.
Trước lo lắng "bẫy thâu tóm", ông Thịnh cho rằng nếu cứ lo ngại thì chúng ta sẽ chẳng làm được gì. Hiện, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Thực tế, trong bất kỳ một cuộc cạnh tranh nào, nếu không cẩn trọng thì đều thua. Rõ ràng, không phải nước ngoài nắm giữ 35% mà chúng ta mới lo, thậm chí họ nắm giữ ít hơn nhưng nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt hơn thì vẫn cứ lo.
"Việt Nam cứ mở cửa thị trường xăng dầu đi, cứ tạo sức ép đi, lúc đó DN của chúng ta sẽ tự lớn lên, tự là người quyết định tồn tại hay không tồn tại trong cuộc cạnh tranh với DN với nước ngoài", ông Thịnh nói.
Theo vị chuyên gia này, các bài học kinh nghiêm về mở cửa thị trường ở những ngành như bán lẻ, gần đây là mía đường... chắc chắn sẽ cho ngành xăng dầu những bài học quý giá, kinh nghiệm cần thiết để vượt qua khó khăn.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng về chuyện mở cửa thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, để DN nội địa cạnh tranh tốt nhất, Nhà nước cũng cần xem xét phòng ngừa tình huống xảy ra, trong đó chúng ta cần phải thành lập thị trường xăng dầu theo đúng nghĩa thị trường, giúp DN xăng dầu cạnh tranh bình đẳng. Nhà nước phải có cơ chế chính sách bình đẳng, nhất quán giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có hệ thống kho trữ xăng dầu như nhiều quốc gia khác. Thời gian qua, chúng ta chưa có vì thế cứ phải "bó chặt" kinh doanh xăng dầu, Nhà nước phải điều chỉnh thị trường này, không cho nó là thị trường thực thụ.
"Giải quyết được những điểm nghẽn này sẽ giúp Việt Nam xây dựng được thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", ông Thịnh nói.
TS. Nguyễn Đức Độ
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Tài chính
Muốn xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh thì chúng ta phải mở cửa. Nếu lo ngại sợ khối ngoại chi phối thì tại sao không đặt lại vấn đề là ngành xăng dầu Việt Nam cũng đang bị độc quyền bởi một số DN lớn. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam mở cửa thị trường xăng dầu, càng nhiều DN hoạt động, người tiêu dùng càng được lợi.
Ông Trần Duy Đông
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước
Sau 13 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia hầu hết các lĩnh vực như dầu khí, ngân hàng... Với xăng dầu, về cơ bản các DN trong nước đã tổ chức được hệ thống phân phối rộng khắp và bắt đầu có nhu cầu phát triển mạnh hơn, chuyên sâu hơn, đầu tư các kho, cầu cảng chuyên dụng và đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, pha chế nên cần thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Dũng
Phó Tổng Giám đốc Petrolimex
Việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam là hướng đi tích cực, giúp chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm cũng như nguồn lực, khiến cho thị trường tăng tính cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, việc tham gia của DN ngoại cũng sẽ khiến các DN trong nước phải chủ động và thích ứng hơn với điều kiện mới trong hoạt động kinh doanh.