Hy vọng dịch bệnh do virus corona (Covid-19) bắt nguồn từ Trung Quốc sẽ kết thúc trong vài tháng và hoạt động kinh tế trở lại bình thường đang ngày càng mờ nhạt. Số ca nhiễm mới hàng ngày trên thế giới đã vượt so với ở Trung Quốc.
Nguy cơ gia tăng khiến nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 3 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Chúng tôi không cần chờ số liệu kinh tế để xem nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh thế nào. Có thể thấy ngay từ việc doanh số hàng không, khách sạn đã giảm một nửa”, Tomoaki Shishido, kinh tế gia tại Nomura Securities, nói.
“Tác động từ virus corona rõ ràng lớn hơn nhiều so với thương chiến Mỹ - Trung. Do đó, Fed không có lý do gì phải giữ lập trường chờ và xem trong tháng tới”.
Chỉ số MSCI Thế giới giảm 3,3% trong ngày 27/2 và đã giảm 8,9% kể từ đầu tuần. Chỉ số này đang trên đà có tuần giảm mạnh nhất kể từ khi lao dốc 9,8% hồi tháng 11/2008.
Phố Wall dẫn đầu xu hướng này với S&P 500 giảm 4,42% trong phiên 27/2, nhiều nhất kể từ tháng 8/2011. Kể từ đỉnh hôm 19/2, S&P 500 đã giảm 12%, đánh dấu đợt điều chỉnh nhanh nhất lịch sử, chỉ trong 6 ngày. Dow Jones giảm 1.190,95 điểm, nhiều nhất mọi thời đại.
Tại châu Á, MSCI châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản mất 0,6%. Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2,5% do lo ngại thế vận hội Olympic có thể bị hủy vì virus corona.
Chỉ số chứng khoán Australia giảm 3%, xuống đáy 6 tháng, trong khi Kospi của Hàn Quốc giảm 1,4%.
“Virus corona giờ đây giống như một đại dịch. Thị trường có thể chống chịu, ngay cả khi có nguy cơ lớn, miễn là chúng ta có thể nhìn thấy điểm kết thúc”, theo Norihiro Fujito, giám đốc đầu tư chiến lược tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities. “Nhưng giờ đây, không ai biết dịch virus corona sẽ kéo dài bao lâu và nghiêm trọng thế nào”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mọi quốc gia cần chuẩn bị ứng phó với virus corona do nhiều nền kinh tế mới nổi cũng đã “nhiễm bệnh” như Đức và Pháp.
Lo ngại suy thoái kinh tế đẩy giá dầu xuống đáy hơn 1 năm. Giá dầu WTI tương lai giảm còn 46,28 USD/thùng.
Nhà đầu tư đang chuyển sang tài sản an toàn như trái phiếu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống thấp kỷ lục 1,241% trước khi chốt phiên 27/2 ở 1,274%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng là 1,439%, khiến sự đảo chiều đường cong lợi suất gia tăng. Sự đảo chiều này được cho là dấu hiệu chỉ báo suy thoái kinh tế Mỹ.
Kỳ vọng Fed hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang gia tăng trên thị trường tiền tệ.
Nhà đầu tư dồn sang tài sản an toàn đẩy giá vàng lên gần đỉnh 7 năm 1.688,9 USD/ounce hồi đầu tháng.
Như Tâm/ Theo Reuters
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.