Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa dự báo, sản lượng thịt lợn thế giới năm nay ước giảm, trong đó, châu Á là khu vực giảm mạnh nhất. Cụ thể, Trung Quốc giảm 25%, Phillipines 16% và Việt Nam 7%. Dù sản lượng thịt lợn sản xuất giảm nhưng bộ này dự báo thị trường xuất nhập khẩu thịt lợn vẫn tăng tăng khoảng 10%, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Về hoạt động sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) thông tin, tính đến ngày 2/3, tổng đàn cả nước đạt 24 triệu con, bằng 77% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Theo định hướng phát triển của ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp dự báo, giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm nay tăng khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 64 - 67%.
Về nhập khẩu, Cục Thú y cho biết, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 66.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn các loại đạt gần 14.000 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ 2019. Việt Nam nhập khẩu thịt lợn chủ yếu từ Canada, Đức và Brazil, Ba Lan và Mỹ...
Hiện thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam đều chịu thuế tối huệ quốc (MFN) với thịt đông lạnh là 10%, còn lại thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Ngoài ra, với những nước Việt Nam đã có FTA như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu dao động 3-21%.
Ngay sau Tết Nguyên đán, khi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn và dịch bệnh Covid-19 đang phát sinh, diễn biến ngày càng phức tạp tại Trung Quốc. Giá thịt lợn và các sản phẩm từ thịt đã leo thang và nguồn cung rơi vào tình trạng khan hiếm. Giá thịt lợn đã tiếp tục đẩy CPI 2 tháng đầu năm lên mức 5,91%, mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Nhằm góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ làm việc, trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên trao đổi, làm việc với các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn.
Ngọc Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.