Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 43%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tháng 1/2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 121,2 nghìn tấn, trị giá 492 triệu USD, giảm 30,3% về lượng và 33,2% về trị giá so với tháng 1/2019.
Trong tháng 1, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ. Cá tra, cá basa là mặt hàng có lượng xuất khẩu cao nhất trong tháng 1/2020, đạt 49,7 nghìn tấn, trị giá 101,16 triệu USD, giảm 35,8% về lượng và giảm 52% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tôm các loại đạt 21,47 nghìn tấn, trị giá 187,3 triệu USD, giảm 19,2% về lượng và giảm 19,3% về trị giá. Trong đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm thẻ chân trắng đạt 127,58 triệu USD, giảm 21,15%; tôm sú đạt 47,49 triệu USD, giảm 16,64%. Đối với hải sản, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 36,69 triệu USD, giảm 31,50%; mực và bạch tuộc đạt 32,50 triệu USD, giảm 50,98%.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2/2020 ước đạt 440 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 223,6 nghìn tấn, trị giá 911,6 triệu USD, giảm 15% về lượng và 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Về thị trường xuất khẩu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 54,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Dịch Covid-19 đang lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là ở thị trường Trung Quốc, giảm tới 43,48% so với 2 tháng đầu năm ngoái và thị trường này hiện chiếm 8,94% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuần cuối tháng 2/2020, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ vẫn còn chậm.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản chiếm 18,02% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giảm 28,16% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường Mỹ chiếm 17,62% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, giảm 26,34%; Hàn Quốc chiếm 10,27%, giảm 31,53%.
Dự báo, xu hướng tiêu dùng và nhập thủy sản tại những thị trường chịu tác động của dịch Covid sẽ có những thay đổi: nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống, những sản phẩm thủy sản đóng hộp sẽ được ưa chuộng.
Chờ phục hồi sau dịch Covid-19
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang mong chờ dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi, lúc đó xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020 cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Theo cam kết trong Hiệp định, khi EVFTA có hiệu lực trong thời gian tới, sẽ có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%; số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, những năm qua, ngành hàng cá tra liên tục lâm vào cảnh sản lượng nhiều thì rớt giá, giá bán cá tra biến động thất thường. Vì vậy, Nhà nước cần ứng dụng số hóa vào trong quản lý nuôi trồng thủy sản nói chung, cá tra nói riêng. Số hóa được dữ liệu sản lượng, quy hoạch vùng nào nên làm gì, thì sản lượng sẽ cân đối giữa cung với cầu.
“Số hóa giúp Chính phủ quy hoạch cụ thể, bản thân doanh nghiệp cũng nắm được thông tin định hướng. Số hóa sẽ giúp người nông dân không đối phó, ngày càng văn minh hơn. Các tổ chức quốc tế đến kiểm tra điều kiện chất lượng sản phẩm cũng dựa theo thông tư, quy định của nước sở tại, nên chúng ta cần có lộ trình hợp lý, khả thi. Các quy chuẩn chất lượng, lao động cũng cần gần gũi hơn”, bà Khanh nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, vẫn còn nhiều nút thắt mà ngành thủy sản đang gặp phải và cần được tháo gỡ. Đó là, giá thành nguyên liệu tôm của Việt Nam còn cao hơn so với một số nước sản xuất cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan từ 10 - 20%. Tiếp đến là vấn đề thiếu lao động. Với việc đầu tư công nghệ mới, trong ngành thủy sản đã có doanh nghiệp đầu tư những thiết bị rất hiện đại để giảm giá thành xuống còn 30-40%, nhưng có công nghệ hóa hay cơ giới hóa thì lao động vẫn là yếu tố rất cần thiết. Về vấn đề liên kết, ngành thủy sản còn thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ huy và đây là một nút thắt cần quan tâm hơn.
Chu Khôi
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.