Tòa án nhân dân TP HCM và
đã thông báo về quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn (HNX:
SPP). Theo đó, các chủ nợ cần gửi giấy đòi nợ kèm các tài liệu chứng minh trong vòng 30 ngày ra thông báo để thực hiện quyền đòi nợ.
Là một công ty đang niêm yết, kinh doanh nhiều năm có lãi và từng đề cập bán vốn cho đối tác nước ngoài không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi
SPP bị mở thủ tục phá sản. Báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh của
SPP cũng cho thấy nhiều góc nhìn khác nhau.
Lần đầu thua lỗ từ khi lên sàn
Bao bì Nhựa Sài Gòn thành lập năm 2001, hoạt động chủ yếu trong ngành bao bì nhựa mềm màng ghép phức hợp với thương hiệu SAPLASTIC tại thị trường Việt Nam. Đến 2007,
SPP chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
Niêm yết năm 2008, hoạt động kinh doanh của
SPP vẫn có lãi đều đặn, cùng với đó là doanh thu liên tục tăng đạt đỉnh hơn 1.100 tỷ đồng năm 2018. Công ty cũng nhiều năm chia cổ tức tiền mặt, chia cổ tức cổ phiếu và thưởng cổ phiếu.
Dù doanh thu tăng đều nhưng lợi nhuận của
SPP giảm nhanh từ năm 2018. Theo báo cáo tài chính mới nhất quý III/2019, công ty thua lỗ 2,7 tỷ đồng trong 9 tháng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 12,8 tỷ đồng.
Với tình trạng khó khăn dẫn đến việc phá sản, viễn cảnh đảo chiều lợi nhuận cuối năm 2019 của
SPP không quá sáng sủa. Với trường hợp này, đây có thể là năm đầu tiên công ty thua lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Dù thua lỗ, cấu trúc vốn chủ sở hữu cho thấy vốn góp của cổ đông vẫn được bảo toàn. Công ty có hơn 27 tỷ lợi nhuận chưa phân phối, hơn 5 tỷ quỹ đầu tư phát triển và gần 3 tỷ quỹ khác. Theo đó, tổng vốn chủ sở hữuđạt 279 tỷ đồng, vẫn lớn hơn vốn điều lệ (252 tỷ đồng).
Nợ ngắn hạn lớn gây áp lực thanh toán, BIDV là chủ nợ lớn nhất
Mặc dù cấu trúc vốn ổn định nhưng chất lượng nợ vay của
SPP lại mang nhiều vấn đề, được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khó khăn tài chính của doanh nghiệp.
Tính đến 30/9, tổng vay nợ tài chính của công ty hơn 738 tỷ đồng (tương đương 63% tổng nguồn vốn) tạo áp lực lãi vay lớn. Tỷ lệ nợ này cũng tương đối cao đối với công ty sản xuất, cộng thêm phần lớn là nợ ngắn hạn gây ra rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp.
Điển hình như khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) của công ty chỉ còn 0,8 so với mức 1,01 của cùng kỳ năm 2018. Thậm chí khả năng thanh toán nhanh còn giảm từ mức 0,5 về 0,25. Với các hệ số thanh toán nợ dưới 1, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải thanh toán các khoản nợ ngắn hạn này.
SPP chủ yếu vay ngắn hạn với giá trị hơn 715 tỷ đồng.
Hiện BIDV là chủ nợ lớn nhất với số dư gần 400 tỷ đồng.
SPP vay số tiền này nhằm tái cơ cấu các khoản vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng và bổ sung vốn lưu động, lãi suất 8,5%/năm. Tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị, nguyên liệu, quyền sử dụng đất của Công ty và quyền sử dụng đất của bên thứ ba.
Tiếp đến là dư nợ gần 130 tỷ đồng tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB) được vay với mục đích bổ sung vốn lưu động, lãi suất 6,25%/năm. Tài sản đảm bảo là khoản tiền thu khách hàng vào tài khoản tương ứng với dư nợ vay và giá trị quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Tân Đô.
Ngoài ra, công ty còn vay hàng chục tỷ đồng tại một số ngân hàng khác như Agribank, Indovina, PVcombank và các cá nhân khác.
Cũng lưu ý rằng dù có vay nợ lớn nhưng tất cả các khoản vay đều đang có tài sản đảm bảo. Trong báo cáo thuyết minh,
SPP khẳng định tất cả các khoản vay với giá trị 738 tỷ đồng đều có khả năng trả nợ. Công ty không có số vay và nợ thuê tài chính quá hạn chưa thanh toán tính đến 30/9.
Quy mô và chất lượng một số tài sản
Đứng trước nguy cơ phá sản, quy mô và chất lượng tài sản của doanh nghiệp là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Với
SPP, doanh nghiệp vẫn có quy mô tài sản lớn với 1.171 tỷ đồng (lớn hơn nợ vay) nhưng chất lượng tài sản cũng là vấn đề cần lưu ý.
Hàng tồn kho là tài sản lớn nhất của công ty với giá trị gần 479 tỷ đồng (hơn 40% tổng tài sản). Doanh nghiệp sản xuất thường duy trì tồn kho lớn nhưng chiến lược này cũng là “con dao hai lưỡi” khi tồn kho cao sẽ gây chiếm dụng vốn lớn và tiêu tốn nhiều chi phí liên quan, nhất là giai đoạn khó khăn. Ngoài ra chất lượng hàng tồn kho (đặc biệt của doanh nghiệp sản xuất) có thể là vấn đề lớn, do khó xác định sự thiệt hại hay do kiểm kê thiếu…
Không chỉ chiếm dụng vốn ở hàng tồn kho,
SPP còn bị chôn vốn ở các khoản phải thu ngắn hạn với tổng giá trị 212 tỷ đồng (18% tổng tài sản) và gây lo ngại về khả năng thu hồi. Trong khi
SPP thiếu vốn phải vay nợ ngân hàng, công ty lại cho vay cá nhân ngắn hạn gần 37 tỷ đồng, một khoản phải thu tạm ứng gần 74 tỷ đồng.
Lượng tiền và tiền gửi ngắn hạn của công ty ở mức rất thấp chỉ khoảng 3,5 tỷ đồng. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác sản xuất kinh doanh, đầu tư của
SPP.
Về tài sản cố định hữu hình, công ty ghi nhận nguyên giá hơn 323 tỷ đồng bao gồm máy móc thiết bị, nhà cửa, phương tiện vận tải… Tài sản cố định vô hình có nguyên giá hơn 100 tỷ đồng, gần như toàn bộ là quyền sử dụng đất. Chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất trong báo cáo tài chính thường thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế do khác biệt về cách ghi nhận đơn giá cũng như giá đất có xu hướng tăng theo thời gian.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.