Sự phục hồi của du lịch đang giúp thị trường khách sạn ấm trở lại sau thời gian dài sụt giảm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cùng tâm lý cắt giảm chi tiêu của du khách, vẫn khiến giới chủ đau đầu với bài toán lấp đầy.
8 giờ tối thứ 6, tuần cuối cùng của tháng 4/2025, một khách sạn 4 sao trên phố Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), quy mô gần 120 phòng đang có khoảng 70 ô cửa sổ sáng đèn. Ông Phạm Đông, quản lý khách sạn, cho hay tỷ lệ lấp đầy có thể được đẩy lên khoảng 80% vào 2 ngày cuối tuần.
Vào ray phục hồi
Theo ông Đông, những diễn biến hiện tại cho thấy dấu hiệu tích cực trước thềm cao điểm lễ 30/4-1/5. “Đến nay, tỷ lệ phòng được khách đặt trước vào dịp lễ sắp tới đã đạt trên 65%, nếu không có biến cố lớn tỷ lệ lấp đầy sẽ lên khoảng trên dưới 90% vào kỳ nghỉ”, ông Đông kỳ vọng.
Nhìn vào tỷ lệ lấp đầy hiện tại, ông Đông không khỏi rùng mình khi nghĩ lại tình cảnh 2 năm về trước, có thời điểm khách sạn của ông có tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 5%. Đúng dịp nghỉ lễ 30/4 năm 2024, dù đã cắt giảm nhiều chi phí, giảm giá phòng, tăng chiết khấu cho các đơn vị dẫn tour…, nhưng lượng khách cũng chỉ đạt hơn 50%.
Kết quả thăm dò của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy thị trường khách sạn đang vào ray phục hồi mạnh mẽ, nhờ sự cải thiện của lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Thị trường khách sạn đang vào ray phục hồi, song sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt.
Điển hình, báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025 của Savills Hà Nội cho biết công suất phòng khách sạn tại thủ đô đạt trung bình 76%, tăng 11 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2024. Phân khúc 5 và 4 sao tăng trưởng lần lượt 5 và 6 điểm phần trăm.
Giá thuê phòng bình quân đồng thời nhích nhẹ 2% so với quý liền trước, tăng 2-5% tùy phân khúc. Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, thị trường khởi sắc nhờ ngành du lịch Việt Nam đón kỷ lục hơn 6 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm.
Riêng Hà Nội đón 1,85 triệu lượt, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024. Nhờ vậy, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 3.200 tỷ đồng, tăng đến 19.6% so với cùng kỳ.
Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ ấm lên. Điển hình, ngành lưu trú TP.HCM tăng trưởng 10,5% vào quý I, doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng và Quảng Ninh, tăng trưởng lần lượt đến 34,23% và 22,9%.
Đại bàng đổ bộ, cạnh tranh khốc liệt
Với diễn biến từ thực tế, theo giới quan sát, thị trường khách sạn sẽ tiếp tục cải thiện thời gian tới. Lượng khách quốc tế dự báo đạt mức cao kỷ lục 22-23 triệu lượt vào năm 2025, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của lĩnh vực lưu trú.
Ông Duke Nam, Phó chủ tịch Marriott International khu vực Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines, đánh giá chính sách thị thực điện tử và gia hạn thời gian lưu trú giúp du khách nước ngoài dễ dàng đến Việt Nam hơn, đặc biệt từ các thị trường trọng điểm.
Sự phục hồi của ngành khách sạn là không thể phủ nhận. Đây cũng là lý do hàng loạt các đại gia quốc tế hùng mạnh trong lĩnh vực này đang “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Theo báo cáo của Savills Hotels, sự đổ bộ của các thương hiệu khách sạn quốc tế vào Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Savills Hotels dự báo trong vòng 3 năm tới, có khoảng 40% khách sạn trung, cao cấp tại Việt Nam liên kết với các thương hiệu nước ngoài (tăng 10% so với hiện tại). Trong 10 năm qua, số lượng khách sạn trung cao cấp ở Việt Nam mang thương hiệu quốc tế tăng gấp 4 lần, lên khoảng 200.
Đơn cử, việc The Trump Organization - Tập đoàn của Tổng thống Donald Trump đầu tư tổ hợp khách sạn, sân golf, khu dân cư, với dự án quy mô khoảng 1,5 tỷ USD tại Hưng Yên tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Dự án bao gồm hai sân golf 54 lỗ cùng với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu phức hợp nhà ở hiện đại. Theo phân tích của Reuters, mảng kinh doanh sân golf và khu nghỉ dưỡng mang lại doanh thu lớn nhất cho Trump Organization, chiếm khoảng 80 triệu USD tiền mặt hàng năm.
Trước đó, bà Alexandra Murray, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Hilton Hotels & Resorts, cho hay công ty này sẽ tăng gấp đôi sự hiện diện ở Việt Nam trong vài năm tới để đón đầu nguồn khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế lớn rõ ràng cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành khách sạn tại Việt Nam, song sự hiện diện của những cái tên mới cũng khiến mức độ cạnh tranh trong ngành thêm phần khốc liệt. Bài toán lấp đầy trở thành thách thức không nhỏ.
Các chuyên gia của Savills Hotels cảnh báo, bất chấp du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhưng ngành khách sạn Việt Nam tiếp tục tụt hậu về tỷ lệ lấp đầy, một phần do sự phục hồi chậm ở các thị trường khách trọng điểm là Nga và Trung Quốc. Thêm vào đó là nguồn cung phòng khách sạn trung, cao cấp tăng gần 25% trong 3 năm trở lại đây, vào khoảng 45.000 phòng.
Trước đó, hãng tư vấn bất động sản Knight Frank kêu gọi các nhà phát triển dừng triển khai các dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới ở các điểm ven biển của Việt Nam cho đến khi nhu cầu du lịch tăng lên, giúp lấp đầy nguồn cung phòng dư thừa hiện tại. Hãng này ước tính, mỗi năm có đến khoảng 20 triệu đêm phòng khách sạn 4 sao và 5 sao bị bỏ trống tại Việt Nam.
Một vài con số để cho thấy thị trường khách sạn Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Và để giành được lợi thế trong cuộc đua, nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước phải nỗ lực… “thay đổi hoặc chết”.
Hưng Nguyên-Link gốc