Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cập nhật dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9%, thấp hơn 1,6 điểm phần trăm so với lần công bố gần nhất. Con số 4,9% cũng thấp hơn mức tăng trưởng trên 5% theo các kịch bản được Tổng cục Thống kê đưa ra gần đây.
Các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác như tổng đầu tư toàn xã hội được WB ước tăng 7%, khu vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp lần lượt tăng 7,6%, 3,3% và 1,9%. Ngoài ra, CPI được dự báo tăng 3,5%, xuất và nhập khẩu tăng 2,6 và 2,8%. Nợ công sẽ tiếp tục xu hướng giảm để về còn 53,3% GDP trong năm nay.
Trong trung hạn, WB dự báo tăng trưởng Việt Nam sẽ quay lại đà tăng trưởng cao, ước đạt 7,5% vào 2021 và sẽ ở mức quanh ngưỡng 6,5% vào 2022, nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.
WB dự báo các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm nay và những năm tới. Ảnh: WB.
Đề xuất một số nhóm giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua được khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho biết, trước tiên giải pháp phòng chống dịch yêu cầu người dân ở nhà, cấm các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không cần thiết về mặt y tế là rất tốt. Nhưng để người dân yên tâm ở nhà và đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch, Chính phủ nên hỗ trợ về thu nhập cho nhóm đối tượng này.
Tiếp nữa, sau khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, hậu dịch Covid-19, Chính phủ cần đưa ra những gói kích thích để tái khởi động nền kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cho các dự án giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, đầu tư khu vực tư nhân cũng cần được kích thích, đặc biệt trong các ngành như du lịch, dịch vụ.
Ngoài ra, ông Morisset cũng cho rằng dịch Covid-19 đang tạo cơ hội cho nền kinh tế số hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, như phát triển dịch vụ tin học, thanh toán, mua sắm trực tuyến và Chính phủ điện tử...
Cuối cùng, đại diện WB khuyến nghị tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế vì dịch Covid-19 có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, WB cho biết, Việt Nam có thể quản lý được những rủi ro bên ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 như đa dạng hóa các thị trường thương mại và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, có thể chuẩn bị các điều kiện để đón đầu cơ hội mà hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA mang lại. Đi kèm với đó là tiếp tục tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Ngọc Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.