MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 1,2% về cuối phiên 5/3, ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm sau loạt động thái hỗ trợ kinh tế của các ngân hàng trung ương, tổ chức và chính phủ.
Tăng mạnh nhất khu vực là cổ phiếu tại Trung Quốc, với Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 2% và 1,8%. Hang Seng của Hong Kong cũng tăng 2%. Tâm lý của giới đầu tư tại nước này trở nên lạc quan hơn khi số ca nhiễm mới tại đại lục liên tục giảm trong những ngày gần đây, cho thấy nỗ lực phòng chống và ngăn chặn dịch của chính phủ đã có hiệu quả.
Ngoài ra, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 1% và 1,2%. NZX 50 của New Zealand và ASX 200 của Australia cũng tăng 1,1 - 1,9%. Cổ phiếu tại Australia tăng bất chấp cảnh báo từ chính phủ rằng khủng hoảng dịch Covid-19 có thể khiến tăng trưởng GDP quý I giảm ít nhất 0,5%.
Thị trường lạc quan từ sau khi loạt ngân hàng trung ương Australia, Malaysia, Mỹ, Canada đồng loạt hạ lãi suất để giúp kinh tế khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng được dự báo sẽ hạ lãi suất tiền gửi 0,1 điểm phần trăm trong tuần tới.
Bên cạnh việc nới lỏng chính sách, một số tổ chức và chính phủ cũng tung gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgiev ngày 4/3 công bố gói hỗ trợ 50 tỷ USD cho các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp chống dịch Covid-19 và sẽ giải ngân ngay lập tức. Phần lớn khoản vay sẽ được miễn lãi. Đầu tuần này, Ngân hàng thế giới cũng công bố chương trình hỗ trợ các quốc giao nghèo đang chịu thiệt hại vì dịch Covid-19 với tổng giá trị là 12 tỷ USD.
Ở cấp độ quốc gia, Hạ viện Mỹ vừa thông qua kế hoạch chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD để đối phó với dịch bệnh. Trước đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố đề xuất ngân sách bổ sung 11.700 tỷ won (9,8 tỷ USD) nhằm xoa dịu tác động từ Covid-19 và sẽ đệ trình quốc hội vào hôm nay.