Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (Saplastic, HNX:
SPP) bất ngờ lỗ 720 tỷ đồng và khiến lỗ lũy kế lên 690 tỷ, vốn chủ sở hữu âm 438 tỷ đồng. Cổ phiếu
SPP theo đó thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc trên HNX.
Công ty ngành nhựa này vừa có văn bản giải trình nguyên nhân tình trạng hủy niêm yết và đưa ra phương án khắc phục tình hình này.
Thất bại trong dự án nhà máy 1.200 tỷ đồng với BIDV và Mitsui
Trong năm 2019, công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất và đầu tư vào nhà máy Saplastic tại Long An với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, hiện đại nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, kế hoạch xây nhà máy không thành hiện thực do sự thay đổi từ phía ngân hàng và nhà đầu tư.
“BIDV hứa sẽ phát hành trái phiếu 600 tỷ đồng cho c để thực hiện dự án nhà máy tại Long An, nhưng sau đó ngân hàng đơn phương chấm dứt cam kết. Từ đó, nhà đầu tư Nhật Bản Mitsui cũng không đồng ý tiếp tục dự kiến mua cổ phần chi phối và góp vốn 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BIDV còn yêu cầu Saplastic có lộ trình giảm tỷ lệ vốn đang vay từ 450 tỷ xuống 300 tỷ đồng”, văn bản giải trình của Saplastic viết.
Để khắc phục khó khăn, Bao bì Nhựa Sài Gòn cho biết đã làm việc với ngân hàng SCB để huy động vốn cho dự án. Ngân hàng này đã hứa cấp hạn mức 150 tỷ đồng nhưng chậm giải ngân và chỉ giải ngân 130 tỷ đồng. Sự việc khiến công ty phải huy động toàn bộ nguồn tài chính hiện có để thực hiện hợp đồng của dự án. Do đó, công ty nói rằng không còn nguồn tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán nợ vay và lãi, các khoản tái đầu tư sản xuất.
Cuối năm 2019, công ty có nợ và lãi vay tại nhiều ngân hàng như số dư tại BIDV là 399 tỷ đồng, Agribank là 50 tỷ, HDBank hơn 35 tỷ, Indovina gần 30 tỷ, NCB gần 130 tỷ đồng…
Một nguyên nhân khác được nêu ra là dịch Covid-19 đã khiến toàn bộ nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc bị tạm ngưng nhập khẩu, công ty không có nguồn nguyên liệu dẫn đến không sản xuất được các đơn đặt hàng của khách hàng.
Cũng cần lưu ý là dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào đầu năm 2020, trong khi công ty nêu đây là lý do dẫn tới sự khó khăn của công ty trong năm 2019.
Ngày 26/11/2019, tòa án đã mở thủ tục phá sản với Saplastic theo yêu cầu của CTCP Sản xuất Thương mại Tân Việt Sinh. Đến 29/11/2019, tòa án chỉ định công ty Hợp danh quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt làm doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Công ty đang trong quá trình thực hiện với tòa án và công ty Sen Việt theo quy định. Đây sẽ là công ty đầu tiên thực hiện thủ tục này khi đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Saplastic cho biết những nguyên nhân trên khiến tình hình kinh doanh của công ty rất khó khăn, tổng lỗ lũy kế đã vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo kiểm toán năm 2019.
Vẫn đang chờ hợp tác với PHI Group
Về phương án phục hồi kinh doanh, Saplastic cho biết đang cố gắng thuyết phục và chờ đợi nhà đầu tư là tập đoàn PHI Group đẩy nhanh tiến độ và lộ trình hợp tác của 2 bên. Do dịch bệnh tại Mỹ phức tạp nên việc hợp tác đang tạm thời bị gián đoạn.
Trong báo cáo soát xét 6 tháng năm 2019, công ty bao bì này từng đề cập đang làm việc với đối tác là Tập đoàn PHI Group, Inc của Mỹ để thu hút vốn đầu tư, với phương án dự kiến bán 51% vốn và thu về khoảng 50 triệu USD. Với số tiền thu được, công ty sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.
“Dự kiến PHI Group sẽ tiếp tục lộ trình góp vốn giai đoạn một sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và các chính sách mở cửa kinh tế được trở lại bình thường”, văn bản viết.
Công ty ngành nhựa nói rằng tình hình kinh doanh khó khăn, việc phá sản là điều không mong muốn. Theo đó, nếu HNX xem xét hiện trạng công ty không còn đủ điều kiện để niêm yết thì Bao bì Nhựa Sài Gòn vẫn nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng quy định.
Trong tình huống dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế bình thường trở lại và nhà đầu tư vẫn tiếp tục quá trình hợp tác, công ty sẽ niêm yết trở lại khi hoạt động kinh doanh đươc phục hồi và đủ điều kiện niêm yết.
Sau thông tin mở thủ tục phá sản, cổ phiếu
SPP đã lao dốc 77% từ cuối tháng 3 về vùng đáy lịch sử 300 đồng/cp.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.