Tại Việt Nam, nguồn cung ít đã đẩy giá xuất khẩu gạo 5% tấm lên cao nhất gần một năm ở 450 – 460 USD/tấn trong tuần này.
“Các công ty đang hối hả thực hiện hợp đồng đã ký trước thời điểm Chính phủ ban lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 3. Đồng thời, Chính phủ cũng đang tích cực mua gạo từ nông dân cho kho dự trữ quốc gia. Nguồn cung từ vụ lúa tới sẽ không tăng mạnh do thời gian thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng”, đại diện một công ty xuất khẩu ở tỉnh An Giang cho biết.
Việt Nam được phép xuất khẩu gạo bình thường từ tháng 5 sau một tháng bị áp hạn ngạch để đảm bảo nguồn cung nội địa trong mùa dịch Covid-19. Số liệu sơ bộ cho thấy gần 150.000 tấn gạo sẽ được xếp lên tàu tại cảng TP HCM từ ngày 2/5 đến ngày 17/5. Phần lớn hàng sẽ được chuyển tới Philippines.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu cũng tăng lên 380 – 385 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2019.
Nhu cầu mua gạo Ấn Độ đang tốt hơn cùng kỳ năm ngoái nhờ giá rẻ hơn so với Thái Lan và Việt Nam, theo B.V Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ. Hơn nữa, nguồn cung xe tải và nhân công cũng cải thiện nhờ lệnh phong tỏa chuẩn bị được gỡ bỏ.
Một yếu tố hỗ trợ khác là đồng rupee tiếp tục giảm, giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Ngược lại, giá xuất khẩu gạo trắng 5% tấm của Thái Lan giảm từ 515 – 546 USD xuống 480 – 485 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 26/3.
“Nguồn cung mới bắt đầu được giải phóng ra thị trường. Hơn nữa, dự báo thời tiết mưa cũng xoa dịu lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung”, một công ty xuất khẩu ở Bangkok cho hay.
Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đi ngang. Thị trường kỳ vọng các nhà nhập khẩu ở nước ngoài như Philippines sẽ hứng thú với gạo Thái Lan hơn khi giá giảm, dù giá gạo Việt Nam rất cạnh tranh, theo một công ty xuất khẩu khác.
Trong khi đó, tại Bangladesh, một quan chức ở bộ lương thực cho biết nước này sẽ mua thêm 200.000 tấn thóc trong vụ thu hoạch hiện tại để đảm bảo nguồn cung cho hoạt động cứu trợ người dân trong mùa dịch Covid-19.