• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.265,05 +5,42/+0,43%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.265,05   +5,42/+0,43%  |   HNX-INDEX   223,01   +0,34/+0,15%  |   UPCOM-INDEX   94,30   +0,42/+0,45%  |   VN30   1.337,59   +5,05/+0,38%  |   HNX30   463,85   -0,44/-0,09%
02 Tháng Hai 2025 12:18:50 CH - Mở cửa
Tương lai mờ mịt của nhà hàng, trung tâm thương mại Trung Quốc
Nguồn tin: Người đồng hành | 17/05/2020 4:12:20 CH
Trong hàng thập kỷ, con phố thương mại North Sichuan chính là câu trả lời của Thượng Hải cho khu vực vịnh Đồng La của Hong Kong, nơi hàng nghìn người mỗi ngày thường đến mua hàng hóa, từ thực phẩm cho đến quần áo. Nhưng đó là trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
 
Ở thời điểm hiện tại, Printemps, một cửa hàng nhượng quyền thương mại chuỗi cửa hàng tạp hóa của Pháp, tạm thời đóng cửa; một trung tâm thương mại gần đó cũng đang ngừng kinh doanh để sửa chữa, nâng cấp; người qua lại khu vực này vào buổi tối chỉ lác đác. Đó, có thể nói, là tín hiệu không vui đối với một trong những lĩnh vực kinh doanh “hào nhoáng” của thị trường tiêu dùng số một thế giới: nhà hàng và các trung tâm thương mại.
 
Thực phẩm, dù là đồ ăn hàng ngày hay “cao lương mỹ vị”, là “cục nam châm” thu hút khách hàng Trung Quốc đến với các trung tâm thương mại kể từ khi loại hình kinh doanh này khởi phát một thập kỷ trước. Phân khúc nhà hàng, theo ước tính của công ty chứng khoán Changjiang Securities, chiếm đến 1/3 tổng số lượng đơn vị thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại.
 
Các đơn vị vận hành luôn tự tin rằng các đối thủ thương mại điện tử sẽ không thể cung cấp cho người dùng một trải nghiệm tương tự so với khi họ ra ngoài ăn tối với gia đình. Đây là loại hinh dịch vụ đặc biệt, không đơn giản như khi mua một chiếc áo len - trải nghiệm khi mua sắm trực tuyến và đến trực tiếp cửa hàng không có quá nhiều sự khác biệt.
 
Và ngay cả khi những biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn không hề “rồng rắn” kéo tới các trung tâm thương mại vì giờ đây họ lo về thu nhập, việc làm, và cả dịch bệnh, vốn vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn.
 
Các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh bán lẻ đang cho đóng cửa hàng loạt chi nhánh, đồng thời yêu cầu đơn vị cho thuê mặt bằng giảm giá cho thuê đối với những cơ sở còn mở cửa, bởi với lực cầu yếu ớt từ người tiêu dùng như ở thời điểm hiện tại, không có ai dám mạo hiểm thuê mặt bằng mới.
 
“Thực trạng này sẽ gây ra tác động sâu và dài hạn đối với thị trường bán lẻ”, theo Zhang Ping, lãnh đạo đến từ tập đoàn bất động sản Citic Capital Holdings.
 
“Nếu một số người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng giảm thu nhập do các công ty nhỏ vấp phải khó khăn trong đại dịch hoặc nếu ngày càng có nhiều người chuyển hướng sang hình thức mua sắm trực tuyến, điều này có thể sẽ trở thành một thử thách vô cùng gian nan đối với thị trường bán lẻ truyền thống”.
 
Lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng trong 3 tháng đầu năm. Trong khi doanh số từ thương mại điện tử ghi nhận mức tăng 5,9%, doanh thu từ các cửa hàng truyền thống giảm hơn 20%, theo thống kê của Cục thống kê Trung Quốc. Các phân khúc bán lẻ truyền thống bao gồm nhà hàng, thời trang, đồ trang sức chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất, hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
 
Quá trình phát triển của loại hình trung tâm thương mại tại Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt đối với Mỹ, nơi hình thức kinh doanh này bắt đầu xuất hiện từ khoảng một thế kỷ trước, khi ngành công nghiệp xe hơi tại quốc gia này phát triển thịnh vượng, cùng với đó là ngày càng có nhiều người dân chuyển đến sinh sống tại các vùng ngoại ô hơn.
 
Tại Trung Quốc, các trung tâm thương mại chỉ là hiện tượng nổi lên trong khoảng thời gian gần đây và bắt đầu bùng nổ khi nền kinh tế quốc gia này bắt đầu hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó là sự trỗi dậy của tầng lớn trung lưu, những người luôn hướng đến sự tiện dụng, các thương hiệu uy tín, các loại hình vui chơi giải trí và khả năng mua sắm dưới bất kỳ thời tiết nào.
 
Trong năm 2009, có khoảng 4.298 trung tâm thương mại hoạt động ở Trung Quốc, theo Winshang Data, một trung tâm lưu trữ dữ liệu. 10 năm sau, con số này tăng lên 41.850 trung tâm thương mại, khi các công ty, trong đó có các đơn vị phát triển bất động sản chuyên nghiệp như Dalian Wanda Group Co Ltd. và Seazen Group Ltd., có những bước phát triển thần tốc.
 
Cho dù số lượng các trung tâm thương mại được xây dựng mới tại Mỹ có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây, Cushman & Wakefield Plc ước tính rằng không gian thương mại tại Trung Quốc tăng tới 53% trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, tổng diện tích sàn rơi vào khoảng 82 triệu m2.
 
Đối với tất cả các trung tâm thương mại, đơn vị vận hành dành sự quan tâm lớn cho phân khúc kinh doanh nhà hàng. Winshang Data ước tính trong năm 2016, 50% các khách hàng thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại mới là thương hiệu bán lẻ, trong đó 30% là nhà hàng. Tính đến năm 2019, số lượng các cửa hàng truyền thống bán nhiều loại hàng hóa giảm 41%, trong khi số lượng các cửa hàng phục vụ ăn uống đã tăng tới 38%.
 
Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ khiến mối quan hệ đó rạn nứt, đặc biệt là khi các nhà hàng phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, thông qua đó, số lượng khách hàng sẽ bị hạn chế và người tiêu dùng cũng sẽ bắt đầu hình thành nên những thói quan mua sắm mới, điển hình là hình thức đặt đồ ăn mang tới tận nhà.
 
Các đơn vị vận hành đang rất đau đầu, khi có đến 60% các công ty quản lý nhà hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tiền mặt trong vòng 6 tháng, theo dữ liệu thu thập bởi Bloomberg và báo cáo tài chính của các công ty. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải đóng cửa, trong khi những chuỗi nhà hàng lớn đang yêu cầu các đơn vị vận hành giảm giá cho thuê mặt bằng, đồng thời là đa dạng hóa mô hình kinh doanh nhằm bù đắp các khoản thiệt hại.
 
Chuỗi nhà hàng lẩu của Xiabuxiabu Catering Management China Holdings Co. có tới 1.000 chi nhánh, đang tỏ ra rất cứng rắn trong quá trình thương thảo với các đơn vị cho thuê mặt bằng. Trong khi các đơn vị cho thuê chào mời Zhao Yi, CEO của công ty, những địa điểm mới sau khi những người thuê cũ rời đi, nhóm đàm phám của bà chỉ tập trung vào việc cắt giảm chi phí.
 
“Chúng tôi sẽ không mở các chi nhánh mới trừ khi chúng tôi nhận được mức giá cho thuê thấp hoặc hơn nữa là một thời gian thuê mặt bằng miễn phí”, Zhao cho biết. “Trung Quốc không còn trong giai đoạn phát triển kinh tế thần tốc nữa, do đó, chúng tôi không cảm thấy quá tự tin về việc sức mua của người dân sẽ nhanh chóng bùng nổ trở lại. Trên thực tế, sự sợ hãi về khả năng mất việc làm, và nền kinh tế rơi vào suy thoái sẽ ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, thậm chí còn mạnh hơn cả dịch bệnh”.
 
Những trung tâm thương mại làm ăn kém hiệu quả có thể sẽ phải đóng cửa trong khi những trung tâm mới có thể sẽ phải lùi ngày khai trương, theo báo cáo tháng 4 của Hiệp hội trung tâm thương mại Thượng Hải.
 
“Dịch bệnh đã gây ra áp lực vô cùng lớn đối với các dự án bất động sản bán lẻ và áp lực lên các nhà bán lẻ cũng sẽ không thể mất đi trong một sớm một chiều”, Zhang cho biết. “Các đơn vị cho thuê sẽ phải đối mặt với ngày một nhiều hơn những yêu cầu giảm hoặc miễn phí tiền thuê mặt bằng”.
 
Với những thách thức đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, các đơn vị vận hành trung tâm thương mại tại Trung Quốc cần phải tìm ra những cách thức mới nhằm lôi kéo người tiêu dùng quay trở lại. Chiến lược này bao gồm việc gia tăng ứng dụng các nền tảng số phục vụ công tác marketing, tạo ra nhiều hơn những trải nghiệm hướng tới gia đình, và xây dựng các dự án bán lẻ tập trung vào việc khyến khích lối sống lành mạnh, theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội trung tâm thương mại Thượng Hải.
 
Trung tâm thương mại K11 Art tại Quảng Châu, một dự án của công ty New World Development Co., ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong trải nghiệm mua sắm của khách hàng từ tháng 2. Khách hàng giờ đây có thể thăm thú những cửa hàng của Tory Burch hay Emporio Armani thông qua chiếc điện thoại thông minh, trò chuyện với các nhân viên cửa hàng thông qua ứng dụng WeChat. Cửa hàng trực tuyến của trung tâm thương mại này đã đón hơn 200.000 lượt khách ghé thăm chỉ trong vòng 2 tuần đầu tiên, tạo ra nguồn doanh thu lên tới hàng triệu nhân dân tệ.
 
Cũng trong thời gian này, dịch bệnh Covid-19 buộc các chuỗi nhà hàng Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào những cửa hàng truyền thống, động thái có thể giúp họ có được khả năng phục hồi và phát triển tốt hơn.
 
Yum China Holdings Inc., đơn vị quản lý chuỗi nhà hàng KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc, đang thử nghiệm dịch vụ giao thịt bò tươi, được tẩm ướp theo đúng công thức của nhà hàng, cùng với đó là hướng dẫn chi tiết về thời gian nấu để khách hàng có thể tự chế biến tại nhà. Và Haidilao International Holding Ltd., một chuỗi nhà hàng lẩu, bắt đầu cung cấp món tôm kung pao và thịt gà hầm, cùng với đó là rau và nước sốt để khách hàng có thể tự nấu ở nhà với khoảng thời gian chỉ chưa đầy 5 phút.
 
“Dịch bệnh khuyến khích các doanh nghiệp phải đa dạng hóa các kênh bán hàng chứ không gói gọn vào hình thức dùng bữa truyền thống tại nhà hàng nữa. Bán hàng mang đi, giao đồ ăn đến tận nhà, và bán hàng thông qua những kênh mới là những lựa chọn mà họ có thể áp dụng ở thời điểm hiện tại”, theo Anne Ling, chuyên gia phân tích người tiêu dùng tại Jefferies.
 
“Tôi cho rằng người tiêu dùng phán đoán những dịch bệnh như thế này chắc chắn sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai”.
 
Xiabuxiabu, chuỗi nhà hàng lẩu tại thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng tươi sống nhằm bù đắp lại khoản thâm hụt do lượng khách đến với các nhà hàng giảm mạnh, bên cạnh đó, là quy định hạn chế số lượng khách hàng được ngồi ăn trong một nhà hàng. Chuỗi nhà hàng lẩu này cung cấp rau, thịt bò, và nhiều loại thực phẩm tươi khác thông qua mạng xã hội WeChat, nhằm có thể bắt kịp với xu thế mua sắm trực tuyến của khách hàng khi dịch bệnh nổ ra.
 
“Đã bắt đầu có khách hàng quay trở lại các nhà hàng, nhưng chủ yếu là vào cuối tuần, khi họ muốn gặp gỡ bạn bè của mình”, CEO Zhao cho biết. “Lượng khách hàng vào những ngày giữa tuần vẫn rất thưa thớt và tôi nghĩ rằng nguyên nhân không chỉ đến từ quy định giới hạn số chỗ ngồi trong một nhà hàng, mà còn bởi vì tâm lý của khách hàng giờ đây đã thay đổi”.