Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020 của Công ty Dược Việt Nam (UPCoM:
DVN) sáng 28/5, một trong những nội dung đáng chú ý là việc Bộ Y tế tại doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Lê Văn Sơn cho biết Bộ Y tế đã lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm và đang lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn. Công ty phối hợp với các đơn vị tư vấn và cung cấp thông tin để xây dựng phương án thoái vốn báo cáo Bộ Y tế xem xét.
Chủ tịch Dược Việt Nam chia sẻ trong 3 năm chờ thoái vốn, doanh nghiệp không thể đầu tư vào các công ty tiềm năng của ngành dược do trong quá trình này, hoạt động mua bán cổ phần ngoài công ty thành viên là không được phép.
Tổng giám đốc Đinh Xuân Hấn dự kiến quá trình thoái vốn Nhà nước sẽ hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Bộ Y tế hiện nắm giữ 65% lượng cổ phiếu đang lưu hành tại Dược Việt Nam và có kế hoạch thoái 29%, giữ lại 36% vốn - tỷ lệ này đủ để phủ quyết mọi vấn đề quan trọng tại doanh nghiệp.
Tại đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông trình kế hoạch doanh thu và thu nhập hợp nhất tăng nhẹ 1%, đạt 5.854 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 216 tỷ đồng, giảm 10,5%.
Kế hoạch kinh doanh trên dựa trên giả định rằng các công ty như Codupha, OPC, Danapha, Phytopharma thực hiện ứng cổ tức với tỷ lệ tương đương năm 2019. Cổ tức của Sanofi-Synthelabo năm 2020 dự kiến nhận tương đương kế hoạch năm 2019.
Doanh nghiệp xem hoạt động đầu tư tài chính vào các đơn vị thành viên là lĩnh vực quan trọng và tập trung trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phục vụ mục đích trên.
Trong năm tới, công ty tiếp tục mở rộng hoạt động nghiên cứu BABE (tương đương sinh học) bằng cách hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Dược Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác toàn diện Vinapharm - Sanofi, đặc biệt là vấn đề chuyển giao biệt dược gốc tại Sanofi Việt Nam và cho các doanh nghiệp thành viên hợp tác xây dựng hệ thống phân phối và hợp tác phân phối sản phẩm tại Việt Nam.
Ở phần thảo luận, khi được hỏi về ảnh hưởng đột biến của các doanh nghiệp liên doanh, liên kết trong lợi nhuận năm 2019, đại diện Dược Việt Nam cho biết các doanh nghiệp đóng góp lợi nhuận nhiều nhất thông qua cổ tức là Sanofi, Imexpharm, Dược phẩm Trung ương 3... Trong đó, Sarofi trả hơn 42 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2018.
Giải trình thắc mắc của cổ đông về nguyên liệu dược phẩm chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài thay vì trong nước, ông Hấn lấy dẫn chứng về việc các nước châu Âu cũng không đầu tư sản xuất nguyên liệu đầu vào mà chuyển sang nhập khẩu. Vị CEO cho rằng Việt Nam chưa đủ công nghệ để sản xuất nguyên liệu hóa dược. Trong trường hợp sản xuất được, giá thành cũng không thể cạnh tranh với những quốc gia đầu ngành như Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong 3 khu đất mà Tổng công ty đang có quyền sử dụng, dự án đầu tư xây dựng nhà liên hợp tại 95 Láng Hạ là sở hữu hỗn hợp và đang gặp khó khăn trong việc đồng thuận của một số hộ dân. Đối với dự án thương mại, văn phòng và nhà ở tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, công ty bán được 6 trên tổng số 13 căn. Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng cao tầng tại số 178 Điện Biên Phủ, TP HCM, công ty gặp khó khăn trong việc đổi tên từ tên cũ là Tổng công ty dược Việt Nam – TNHH MTV sang CTCP. Bên cạnh đó, TP HCM chỉ vừa mới đồng ý cho phá dỡ biệt thự cũ vào tuần trước.