• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.251,21 +0,75/+0,06%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.251,21   +0,75/+0,06%  |   HNX-INDEX   225,32   +0,68/+0,30%  |   UPCOM-INDEX   92,44   -0,30/-0,32%  |   VN30   1.308,83   -2,43/-0,19%  |   HNX30   481,92   +2,13/+0,44%
02 Tháng Mười Hai 2024 8:18:42 CH - Mở cửa
Vì sao Phố Wall liên tục tăng dù kinh tế Mỹ đi xuống?
Nguồn tin: Người đồng hành | 31/05/2020 7:34:16 CH
Bộ Lao động Mỹ ngày 28/5 cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là hơn 2 triệu, nâng tổng số người mất việc kể từ giữa tháng 3, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, lên hơn 40 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 là 14,7%, cao nhất từ năm 1939.
 
Số liệu ban đầu cho thấy GDP của Mỹ trong quý I tăng trưởng âm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, chấm dứt đợt tăng dài nhất lịch sử. Con số được điều chỉnh chính thức sau đó thậm chí là âm 5%. Các chuyên gia kinh tế tin GDP quý II có thể suy giảm tới 40%, mức lớn nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận năm 1947.
 
Sự phục hồi có thể trở lại trong quý III với mức tăng trưởng 21,5%, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, nhưng con số này là không đủ để bù đắp thiệt hại trong nửa đầu năm. Họ cũng lo ngại dự báo trên không thành hiện thực nếu Mỹ phải hứng chịu thêm một đợt bùng phát Covid-19.
 
Điều lạ lùng là Phố Wall lại không ngừng đi lên sau khi bị bán tháo hồi cuối tháng 3. Chốt tháng 4, Dow Jones tăng 11,1%, S&P 500 tăng 12,7%, Nasdaq tăng 15,5%. Đây là tháng tốt nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ năm 1987, tháng 4 tốt nhất kể từ năm 1938, theo số liệu từ Dow Jones Market Data. Với Nasdaq, đây là tháng tốt nhất kể từ năm 2000.
 
Chốt tháng 5, Dow Jones tăng 3,9%, S&P 500 tăng 4,5%, Nasdaq tăng 6,8%. S&P 500 tăng 17,8% trong hai tháng 4 và 5, đợt tăng hai tháng lớn nhất kể từ năm 2009. Kinh tế suy yếu nhưng thị trường chứng khoán lại đi lên. Điều này khiến nhiều nhà quan sát “vò đầu bứt tai” tìm lời giải thích. Dưới đây là một số lực đẩy của thị trường.
 
Fed đẩy mạnh bơm tiền
 
Các biện pháp kích thích từ Fed và chính phủ Mỹ hỗ trợ đáng kể cho đợt tăng gần đây của Phố Wall. Fed tuyên bố sẵn sàng can thiệp để giúp sức cho nền kinh tế. Tại sao phải từ bỏ thị trường khi ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng đến vậy?
 
Kể từ tháng 3, Fed đã bơm ra thị trường hơn 2.000 tỷ USD. Quy mô bảng cân đối tăng đáng kể, nhanh chóng vượt mức thời khủng hoảng tài chính và đã qua mốc 7.000 tỷ. Lượng tiền được bơm ra nhanh và nhiều hơn so với các gói nới lỏng định lượng (QE) trước đó.
 
Ngoài mua trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán thế chấp, Fed còn chấp nhận một số tài sản khác để hỗ trợ thanh khoản cho những trường hợp được các quỹ từ Bộ Tài chính Mỹ hậu thuẫn.
 
Kể từ tuần cuối cùng của tháng 2, quy mô bảng cân đối của Fed tăng trung bình 226 tỷ USD mỗi tuần và đạt 7.150 tỷ USD tính đến ngày 27/5. Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 29/5 một lần nữa tái khẳng định cam kết của ngân hàng trung ương Mỹ trong việc sử dụng các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế giữa đại dịch Covid-19.
 
Các giao dịch tự động theo CTA
 
Các quỹ giao dịch theo Cố vấn giao dịch hàng hóa (CTA - commodity trading advisor) hưởng lợi nhiều nhất từ các biến biến động trên thị trường gần đây. Các CTA giao dịch hợp đồng tương lai dựa theo mô hình định giá bằng máy tính, nên thường dựa nhiều vào các dữ liệu dòng tiền hiện có trên thị trường.
 
Theo Charlie McElligott, chiến lược gia về tài sản chéo tại Nomura, kể từ đầu tháng 3, các quỹ dùng chiến thuật này đã mua lấp trống (short covering) vị thế và bơm 380 tỷ USD vào chứng khoán trên thế giới. Xu hướng trên dự báo còn tiếp tục, giúp thị trường duy trì đà tăng.
 
Mô hình theo dõi của McElligott cho thấy chiến thuật được chuyển từ 50% bán ròng sang 100% mua ròng S&P 500 futures trong ngày 27/5, kích hoạt việc mua vào 17 tỷ USD trên thị trường.
 
Hiệu quả của việc giao dịch theo CTA đang tỏ ra vượt trội so với các quỹ theo chiến lược Risk Parity (tương đồng rủi ro). Kể từ đầu năm, các quỹ theo CTA lãi 3,9% trong khi nhóm theo Risk Parity lỗ 10%.
 
 
Hiệu suất hoạt động của các quỹ theo CTA năm nay cao hơn hẳn so với những chiến lược khác.
 
Những lý do khác
 
Nhiều nhà phân tích đang bỏ qua những số liệu kinh tế xấu. Họ cảm thấy tỷ lệ thất nghiệp hay những số liệu gây thất vọng khác không còn là bất ngờ, và dự báo một đợt phục hồi mạnh khi các bang mở cửa trở lại. “Mọi người đang đặt cược rằng… kinh tế Mỹ đã chạm đáy”, R.J. Grant, Giám đốc giao dịch chứng khoán tại KBW, nhận định. “Dù vậy, thị trường chứng khoán lúc này đã thực sự tách khỏi nền kinh tế thực”.
 
Tại Phố Wall, các doanh nghiệp niêm yết cũng ngày càng phân hóa. Đợt tăng gần đây cho thấy có một nhóm cổ phiếu trở nên nổi bật. Những công ty công nghệ lớn, thường chiếm tỷ trọng cao trong các chỉ số, là lực kéo chính, tiếp tục xu hướng đã tồn tại trên thị trường giá lên suốt hơn một thập kỷ qua.
 
“Toàn bộ thị trường không tăng”, Giorgio Caputo, nhà quản lý danh mục đầu tư tại J O Hambro Capital Management, nói. “Đây là thời điểm tuyệt vời nhất với một số công ty nhưng lại tồi tệ nhất với số khác”.
 
5 cổ phiếu công nghệ lớn gồm Microsoft, Amazon, Apple, Alphabet và Facebook, chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong S&P 500. Trong đó, cổ phiếu Amazon và Microsoft đang dẫn đầu với mức tăng gần 29% và hơn 22% từ đầu năm.
 
Ngược lại, cổ phiếu ngành năng lượng chỉ chiếm tỷ trọng 3%. Điều này tức là các công ty bị thiệt hại nặng nhất lại ít ảnh hưởng đến thị trường. Vốn hóa của các công ty ngành này trong S&P 500 đã giảm 35% trong năm nay theo đà lao dốc của giá dầu.
 
Nhìn chung, lợi nhuận doanh nghiệp vốn không mấy khả quan, thậm chí nhiều nơi còn đứng bên bờ phá sản vì đại dịch Covid-19, song nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào một đợt phục hồi nhanh. Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ được cho là giảm 14% trong quý I, mạnh nhất kể từ năm 2009, theo FactSet. Giới phân tích cho rằng đà lao dốc sẽ chạm đáy trong quý II, giảm 41%, và tăng 13% trong quý I năm 2021
 
“Trong khi triển vọng lợi nhuận còn nhiều thách thức ít nhất là hết nửa đầu năm 2020, nhà đầu tư ngày càng bỏ qua tác động từ Covid-19 đến các yếu tố cơ bản và chỉ hướng đến sự phục hồi năm 2021”, các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co nhận định. Họ cũng có quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán và dự báo lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại trong nửa đầu năm 2021.