Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng hơn 1% trong phiên chiều 8/5, với tất cả chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm.
Tăng mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Nhật Bản với Nikkei 225 tăng 2,5%. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,9%.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,8% và 1,2%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1%.
ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 0,5% và 0,4%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,01%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,7% và KLCI của Malaysia tăng 0,4% trong khi Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,2%.
Cổ phiếu tại châu Á tăng sau khi các chỉ số lớn ở Mỹ và châu Âu đều tăng hơn 1% trong phiên 7/5. Một yếu tố hỗ trợ khác là quan hệ Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 8/5 điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin sau loạt chỉ trích gay gắt của Tổng thống Donald Trump về Trung Quốc cũng như đe dọa sẽ áp thuế mới. Các bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để 2 quốc gia thực hiện thỏa thuận thương mại song phương đồng thời thắt chặt hợp tác về kinh tế, y tế cộng đồng.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn thận trọng khi triển vọng kinh tế thế giới ngày càng u ám. Trong cuộc họp chính sách hôm nay, ngân hàng trung ương Australia nhận định GDP thế giới sẽ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 vì dịch Covid-19, trong đó nhiều nền kinh tế ghi nhận mức giảm kỷ lục.
“Sự suy giảm trong quý I là do hoạt động kinh tế tại Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu suy yếu, đồng thời, phải tới gần cuối quý I, các quốc gia mới triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh”.
Tâm điểm của giới đầu tư hôm nay là bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ. Theo dự đoán của giới chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này sẽ vọt lên 16% khi có khoảng 33,5 triệu người trong vòng hơn một tháng qua phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.