Như vậy, có thể thấy nhu cầu thế giới không tăng mà giá tiêu trong nước tăng là không bền vững; và việc “thổi giá” như hiện nay không tốt cho xuất khẩu, làm cho doanh nghiệp thiếu hụt nguồn hàng không thể thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Hiện nay, ngoài các hợp đồng đã ký, các doanh nghiệp không ký thêm được hợp đồng mới, vì khách hàng không chấp nhận mua giá mới
Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Thị trường Mỹ đã mua đủ lượng hàng cho đến tháng 10, có doanh nghiệp đã mua đủ đến tháng 12. Tại thị trường Ấn Độ, do ảnh hưởng của Covid-19 các nhà máy chế biến tiêu ở Ấn Độ đã giảm đến 50% công suất, nên nhu cầu tại thị trường Ấn Độ đang giảm. Với mức giá tiêu hiện nay, thương nhân Trung Quốc không mua vào, thậm chí đang bán tiêu trở lại thị trường trong nước, vì giá tiêu bây giờ đang cao hơn so với lúc mua vào, thấy lời nên họ bán ra mà không cần mang về nước.
Vào những năm 2014, 2015 khi giá tiêu trên thị trường thế giới tăng tột đỉnh (220.000 - 250.000 đồng/kg) cũng như Việt Nam, Brazil và Indonesia đã đẩy mạnh diện tích trồng tiêu trong khi đó nhu cầu tiêu trên thế giới tăng thêm không nhiều, vì vậy, cung vượt cầu kéo giá tiêu sụt giảm đến bây giờ.
Hiện Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch tiêu, sản lượng tiêu năm 2020 đạt khoảng 230.000 - 240.000 tấn, giảm khoảng 10% so với năm ngoái, do một số diện tích cho năng suất thấp khi tiêu xuống giá thấp bà con chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đây là mức giảm không đáng kể và Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.