Dow Jones giảm 300 điểm trong phiên 9/6 nhưng thị trường cổ phiếu toàn cầu nhìn chung đang trên đà tăng bất chấp những lo ngại về tác động kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường chứng khoán dường như đều tin rằng kinh tế đang phục hồi trên diện rộng bởi nhiều quốc gia bắt đầu thu hẹp lệnh phong tỏa và tái mở cửa.
Tại Goldman Sachs, nhóm phân tích dẫn dầu bởi chiến lược gia toàn cầu Peter Oppenheimer tin rằng thị trường chứng khoán đã chuyển sang giai đoạn thứ 2 trong những tuần gần đây. Đà tăng của thị trường được kích thích bởi sự dịch chuyển dòng vốn mạnh mẽ sang các cổ phiếu giá trị và chu kỳ và đây là diễn biến điển hình của thị trường “gấu”.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn hơn mà giới đầu tư đặt ra là đà tăng theo chu kỳ này sẽ kéo dài bao lâu và liệu có thể trở thành khởi đầu cho một xu hướng dài hạn hay không?
“Kinh nghiệm trước đây cho thấy xu hướng luân chuyển vốn hiện nay có thể được duy trì trong ngắn hạn”, Goldman Sachs cho biết và lưu ý trong thập kỷ trước, có 15 giai đoạn cổ phiếu chu kỳ tăng vượt cổ phiếu phòng thủ.
Tại châu Âu, những đợt dịch chuyển vốn như thế này trung bình kéo dài khoảng 4 tháng và thường tạo ra mức tăng 15%. Như vậy, nếu lấy đây làm mức chuẩn để tính toán, chúng ta đã đi qua khoảng 80% của đợt luân chuyển vốn theo chu kỳ thông thường.
Theo đó, ông Oppenheimer kết luận đợt luân chuyển vốn lần này sẽ không kéo dài. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu tăng trưởng kinh tế, lợi suất trái phiếu và kỳ vọng lạm pháp đồng loạt cải thiện.
Còn tại Barclays, nhóm phân tích dự đoán rằng một khi hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi, các cổ phiếu chu kỳ sẽ tăng mạnh hơn vì chúng có mối tương quan lớn với các chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI).
“Theo phân tích của chúng tôi dựa trên những gì xảy ra trong thời kỳ hoạt động kinh tế phục hồi từ khủng hoảng, cổ phiếu chu kỳ có xu hướng tăng mạnh hơn trong năm tiếp theo hoặc hơn nữa”, các chuyên gia phân tích tại Barclays nhận định trong báo cáo nghiên cứu phát đi vào cuối tháng 5. Thực tế cho thấy cổ phiếu chu kỳ nhìn chung tăng mạnh hơn trong vài tuần gần đây, trong khi cổ phiếu giá trị vẫn chật vật.
Tuy nhiên, Barclays dự đoán cổ phiếu giá trị có thể tăng và bắt kịp cổ phiếu chu kỳ. Mặt khác, trong nhóm cổ phiếu giá trị, cổ phiếu ngân hàng dường như không thể tăng trở lại vì đây là một trong những lĩnh vực hoạt động tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán châu Âu kể từ đầu năm đến nay và lợi suất trái phiếu đang giảm quá mạnh.
Trong khi đó, Savita Subramanian, giám đốc chiến lược thị trường chứng khoán Mỹ tại Bank of America, cho biết chỉ số Russell 1000 Value đã tăng vượt trội so với các chỉ số tương đương trong 2 tuần cuối cùng của tháng 5.
“Chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ được duy trì trong thời gian tới”.
Cũng trong báo cáo nghiên cứu được công bố vào ngày 1/6, ông Subramanian viết: “Trong cả 14 cuộc suy thoái ở quá khứ, chỉ số Russell 1000 Value đều tăng mạnh trong ít nhất 3 tháng khi nền kinh tế cho thấy dấu hiệu cải thiện”. Vì vậy, chuyên gia của Bank of America cho biết đà tăng của thị trường chứng khoán vào cuối tháng 5 có thể kéo dài.